Minh bạch bảo lãnh ‘nhà trên giấy’
Người dân mua nhà ở tại các dự án bất động sản hình thành trong tương lai, vẫn xem là mua “nhà trên giấy” chưa có trên thực tế, cần được bảo lãnh theo quy định. Thế nhưng, hầu hết chủ đầu tư và cơ quan quản lý dự án “nhà trên giấy” đều mù mờ, không công khai tình hình bảo lãnh.
Trang web của Sở Xây dựng TP HCM, web của các ngân hàng thương mại, trang web của Bộ Xây dựng,… cũng không có thông tin về việc các dự án “nhà trên giấy” đang mở bán cho người dân đã được bảo lãnh hay chưa. Các chủ đầu tư đã phối hợp cùng ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh cho từng người mua “nhà trên giấy” ra sao? Câu hỏi “về việc tuân thủ quy định pháp luật của các ngân hàng thương mại tham gia bảo lãnh cho dự án nhà trên giấy hiện nay như thế nào” thường được trả lời “chưa có số liệu”.
UBND TP HCM mới có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để cập nhật nội dung thế chấp dự án, tình hình bảo lãnh “nhà trên giấy” tại các dự án đủ điều kiện được mở bán trên Cổng thông tin dịch vụ quốc gia.
Theo UBND TP HCM kiến nghị này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua “nhà trên giấy” được tiếp cận đầy đủ, chính xác thông tin. Ngoài ra, việc công khai thông tin sẽ nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về bảo lãnh giao dịch “nhà trên giấy”. Thế nhưng, đây không phải lần đầu tiên UBND TP HCM có những kiến nghị liên quan tới bảo lãnh dự án “nhà trên giấy”.
Trước đó, vào tháng 1/2021, UBND TP HCM đã có văn bản khẩn, kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư số 07/2015 và Thông tư 13/2017 của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo và xử phạt vi phạm hành chính.
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung quy định, TP HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước có công văn chỉ đạo các ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh “nhà trên giấy” báo cáo số liệu của các chủ đầu tư thực hiện bảo lãnh “nhà trên giấy” và đóng tiền bảo lãnh giao dịch nhà ở cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để theo dõi. Lý dó, để có cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và báo cáo tình hình thực hiện “đóng tiền bảo lãnh giao dịch nhà ở và bảo lãnh trong bán “nhà trên giấy” và việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ đầu tư dự án “nhà trên giấy” cũng như hạn chế rủi ro cho người dân mua nhà.
Căn nhà là tài sản lớn, nhưng hiện nay nhiều người đang mua bằng niềm tin nhiều hơn là hiểu rõ về pháp lý. Trên thực tế, người dân không có kênh tiếp cận đầy đủ thông tin pháp lý “nhà trên giấy”, để từ đó có thể định lượng rủi ro sẽ gặp phải, trước khi mua bán. Do vậy minh bạch thông tin pháp lý về bảo lãnh “nhà trên giấy” là đòi hỏi chính đáng của người dân. Những kiến nghị từ chính quyền TP HCM hy vọng sẽ sớm triển khai vào thực tiễn đời sống, thay vì đẩy rủi ro về phía người dân như hiện nay.