Sẵn sàng phương án dạy học online
Chủ động xây dựng kế hoạch học trực tuyến cho năm học mới với các phương án dự phòng cho nhiều tình huống trong bối cảnh dịch Covid-19 là công việc mà các trường tại Hà Nội và TP HCM đang thực hiện chuẩn bị trước thềm năm học mới.
Thời gian gần đây, các trường học tại Hà Nội đã chủ động hoàn tất công tác chuẩn bị để sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến.
Tại Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ trước, nhà trường đã xây dựng ba phương án tổ chức dạy học, triển khai đến toàn thể giáo viên, học sinh để chủ động ứng phó; đồng thời chuẩn bị đủ các điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến như xây dựng thời khóa biểu, hướng dẫn học sinh chuẩn bị máy tính, điện thoại có cài đặt phần mềm... Vì vậy, ở đợt dịch diễn biến phức tạp hiện nay, khi học sinh tạm dừng đến trường, nhà trường không bị động khi triển khai học trực tuyến.
Cô Phạm Như hoa, Trường THCS Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, những ngày qua, cô đã chủ động chuẩn bị đầy đủ kho giáo án cho đến hết năm học. Ngoài ra, các thầy cô cũng tự chuẩn bị bài giảng, tổng hợp lên kho dữ liệu của nhà trường để chia sẻ giữa các đồng nghiệp.
Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm) Hoàng Ngọc Lan cho biết, việc dạy và học trực tuyến đã được nhà trường chuẩn bị kỹ lưỡng nên học sinh không cảm thấy bỡ ngỡ. Phòng GDĐT quận, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho giáo viên về công tác giảng dạy trực tuyến. Do đó, nhà trường luôn sẵn sàng chuyển từ trạng thái trực tiếp sang trực tuyến mà không gây xáo trộn đối với học sinh và giáo viên.
Trên thực tế, công tác dạy - học trực tuyến của các trường học trên địa bàn Hà Nội có thể kích hoạt bất kỳ thời điểm nào không chỉ là phản ứng nhất thời, mà là kết quả trong 5 năm qua bền bỉ thực hiện mô hình trường học ứng dụng CNTT.
Đại diện Trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa cũng cho biết đã chuẩn bị các kịch bản để có thể triển khai bất cứ lúc nào, Nhà trường đã xây dựng phương án phải dạy trực tuyến cho năm học mới. Giáo viên được tập huấn để không bị động.
Mới đây, Thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến của Bộ GDĐT cho phép người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định hình thức tổ chức dạy học. Điều này đã mở đường cho các trường linh động sáng tạo.
Còn ở TPHCM bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức), cho biết: Trên nền tảng là kế hoạch giáo dục năm học trước, nhà trường xây dựng dự thảo chương trình, hoạt động giáo dục chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022. Trong đó có dự trù tình huống, lên phương án, phân công giáo viên trong trạng thái bình thường mới, tổ chức dạy học trực tiếp 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú và các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm phù hợp.
Còn nếu năm học diễn ra trong bối cảnh đặt ra yêu cầu phải tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến thì cũng lên phương án xây dựng thời khóa biểu phù hợp, phân công giáo viên, tổ chức các hoạt động khuyến khích, động viên học sinh trong thời gian không thể đến trường học tập trung.
Bà Thanh Trúc cũng cho hay, trong tình huống nếu học trực tuyến thì nhà trường còn phải chuẩn bị việc hỗ trợ học sinh không có đủ điều kiện theo phương tiện học tập khi ứng dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), nhà trường đã tổ chức cuộc họp hội đồng chuyên môn, hội đồng sư phạm theo hình thức trực tuyến để bàn công tác chuẩn bị cho năm học mới.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, thời gian tới khi có kế hoạch, nhiệm vụ năm học mới, nhà trường sẽ điều chỉnh, bổ sung những nội dung mới để không bị động trong tình hình dịch bệnh. Trong công tác chuyên môn, nhà trường xây dựng 3 phương án giảng dạy thích ứng cho từng giao đoạn là trực tiếp, trực tuyến và kết hợp cả hai phương thức trên. Nhà trường lưu ý các hoạt động từ quản lý đến giảng dạy đều phải ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo công tác phòng dịch. Đặc biệt xây dựng sẵn mô hình lớp học ảo để kịp thời áp dụng trước những tình huống bất ngờ.
Ông Phú cho biết thêm, trong năm học mới, nhà trường chú trọng xây dựng các chuyên đề kỹ năng theo định hướng tâm lý học đường. Trong bối cảnh dịch bệnh, cuộc sống có nhiều thay đổi, giáo viên tâm lý cần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về tâm lý, giải tỏa những bức bối, truyền năng lượng tích cực cho học trò.
Cơ hội để ngành giáo dục chuyển đổi số
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn đến xã hội cũng như đời sống người dân và ngành giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Covid-19 vừa đặt ra những khó khăn, thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để ngành giáo dục chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đại dịch Covid-19 đang đặt ra cho ngành GDĐT trước nhiều thách thức, nên ngành cũng đã tính đến phương án làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động tiêu cực của dịch bệnh đến GDĐT, đặc biệt không làm ảnh hưởng đến chất lượng.
Bộ GDĐTđã tính đến những biện pháp cụ thể khi các cháu được quay trở lại trường để học tập phải có những biện pháp để củng cố kiến thức, bồi đắp thêm những thiếu hụt về kiến thức do thời gian học trực tuyến khó có điều kiện để triển khai. Đặc biệt là bậc tiểu học cũng như các chuyên ngành đào tạo khác trong GDĐT cần phải được thực hành, cần trải nghiệm thực tiễn, cần có sự củng cố...
Chúng tôi cũng đã tính đến việc phải gia tăng nguồn học liệu hỗ trợ và điều chỉnh phương pháp dạy và học để làm sao trong thời gian học trực tuyến học sinh vẫn có thể tiếp thu được tốt nhất.
“Chúng tôi cũng coi đại dịch lần này là một cơ hội để ngành GDĐT chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường học liệu, trang bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các điều kiện... Tôi nghĩ đại dịch Covid-19 vừa đặt ra những khó khăn, thách thức, nhưng tôi coi đây cũng là cơ hội để có thể đổi mới được việc chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.