Doanh nghiệp chống chịu trước cơn ‘bão quét’

THANH GIANG 14/08/2021 07:23

Dịch bệnh Covid-19 lan nhanh, bùng phát mạnh trên diện rộng làm ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Không chịu nỗi cơn “bão quét”, rất nhiều doanh nghiệp (DN) phải ngưng hoạt động, thậm chí phải rời bỏ thị trường.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, có gần 80.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tình hình dịch bệnh đã, đang và sẽ tiếp tục tác động đến mọi mặt của nền kinh tế. Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, không có một lĩnh vực nào của nền kinh tế được “miễn trừ” trong đợt dịch này. Con số 70.000 DN phải đóng cửa trong 6 tháng vừa rồi chính là minh chứng. Con số này tăng lên hàng ngày và chưa có điểm dừng.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngay khi Chính phủ áp dụng Chỉ thị 16 ở 19 tỉnh thành khu vực phía Nam hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu ảnh hưởng rõ rệt. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nửa cuối tháng 7 của ngành đã giảm mạnh 15%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cả tháng giảm khoảng 4% so với cùng kỳ (đạt 763 triệu USD). Dự báo, với tình trạng như hiện nay, đà sụt giảm sẽ còn tiếp tục chứ chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam phân trần, ngành nhựa Việt Nam có khoảng 3.000 DN với hơn 300.000 lao động trên cả nước. Trong đó có 70% DN hoạt động tập trung tại TP HCM và các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Tây Ninh. Dịch bệnh khiến DN nhựa điêu đứng. 50% phải đóng cửa, ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. “Tổn thất không chỉ về kinh tế mà còn về uy tín với khách hàng. Khách hàng hủy đơn để chuyển sang nước khác rất nhiều”, ông Hồ Đức Lam quan ngại.

Lo ngại cho hoạt động sản xuất, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM nhìn nhận, tình hình sản xuất của các DN rất khó khăn. Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng tại TP HCM từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có 1.800 DN rời thị thường, tăng 18,99% so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên số lượng DN rời khỏi thị trường cao kỷ lục. Điều này rất đáng lo ngại và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố trên 100 DN chỉ rõ, 84% DN nhỏ và vừa gặp khó khăn do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này.

Nhiều DN cho biết, thời gian qua họ chỉ duy trì hoạt động sản xuất ở mức 40-70% công suất so với bình thường. Theo Ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp TP HCM (Hepza), các DN tại các khu chế xuất, khu công nghiệp hầu như bị Covid-19 tác động tiêu cực. Bằng chứng, có trên 13.000 lao động bị mất việc, tạm thời ngừng việc; hơn 1.500 lao động nghỉ việc không hưởng lương. Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM nhận định, thành phố đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hàng năm khoảng 8%. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã tác động rất nghiêm trọng đến kinh tế TP HCM.

Dù vậy, theo ông Phong, thành phố xác định vẫn giữ các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra với tinh thần, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả cao hơn với các giải pháp đi kèm. Theo đó, tiếp tục tập trung chống dịch, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, quan tâm phát triển hài hòa các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

THANH GIANG