Mắt xích cho chuỗi giá trị nông sản
Tại một cuộc họp để bàn cách tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thực phẩm ở “tâm dịch Covid-19” TP HCM, nữ giám đốc một công ty khẳng định, sẽ không tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường vào thời điểm này.
Tuy nhiên, trên nhiều trang mạng xã hội, rất nhiều bình luận tỏ vẻ không đồng tình với vị nữ giám đốc khi cho rằng, người dân đã mua trứng với mức giá không phải là bình ổn, hôm trước một giá, hôm sau một giá khác và có chiều hướng tăng. Vào trang web của công ty vị giám đốc trên, ở mục sản phẩm trứng cũng không có đề mức giá mà chỉ có mục “liên hệ để hỏi giá”.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá trứng gia cầm tăng cao như hiện nay là vô cùng phi lý trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch.
Mức giá trứng được cho là bình ổn (dù vẫn ở mức cao) tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được niêm yết quanh mức 40.000 - 50.000 đồng/1 chục, thậm chí có nơi tăng đến 70.000 đồng/1 chục, tức là tăng từ 1,5-2 lần so với bình thường.
Câu chuyện về giá trứng một lần nữa phản ảnh thực tế về giá cả các mặt hàng thiết yếu thời gian qua, đòi hỏi cần phải có sự tổ chức sản xuất, phân phối hợp lý hơn để có mức giá thật sự bình ổn cho người tiêu dùng, không chỉ là những lời nói suông từ phía doanh nghiệp (DN).
Ở phía nguồn cung nông sản, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, giá cả thu mua một số mặt hàng nông sản sụt giảm rất nhiều so với điều kiện bình thường. Theo đó, sản lượng gia súc, gia cầm ở Tiền Giang hiện nay cơ bản là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong tỉnh và một phần để cung ứng cho TP HCM. Tuy nhiên, việc lưu thông vận chuyển còn khó khăn, thương lái giảm thu mua so với trước khi xảy ra dịch bệnh, dẫn đến đầu ra khá khó khăn. Các địa phương khác nguồn cung thực phẩm cho TP HCM cũng khá dồi dào. Như vậy nguồn cung nông sản ở các tỉnh phía Nam hiện nay là rất dồi dào, giá thu mua thấp nhưng thương lái cũng không màng đến. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, bài học rút ra cho việc tiêu thụ nông sản giữa đại dịch là các cơ quan quản lý cần giải quyết rốt ráo các “mắt xích” trong suốt cả chuỗi giá trị nông sản.