Một di tích lịch sử bị chia tách
Được công nhận di tích cấp Quốc gia từ năm 1990 và mãi đến năm 2019, di tích đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu mới được đầu tư trùng tu tôn tạo. Tuy nhiên, do sự cứng nhắc và có phần thiếu thực tế của chủ đầu tư đã làm mất đi những giá trị gắn bó giữa di tích chùa Hương Nghiêm và khu đền thờ Lê Văn Hưu.
Di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu tọa lạc tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Từ xa xưa, nhân dân địa phương vẫn quen gọi đền thờ này là “chùa ông Hưu”. Tổng thể ngôi chùa xưa quy mô rộng lớn, có tiền đường, hậu cung, gác chuông, hồ nước, giếng rồng... Trải qua thời gian dài tồn tại, “chùa ông Hưu” đã bị biến đổi và xuống cấp, hư hại.
Trước thực tế này, tháng 12/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu với tổng mức đầu tư lên đến gần 30 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã đi vào giai đoạn thứ 2. Tuy nhiên sự cứng nhắc trong khâu thiết kế đang khiến cụm di tích này bị mất đi những giá trị gắn bó mang tính hữu cơ giữa đền thờ Lê Văn Hưu và chùa Hương Nghiêm.
Tìm hiểu từ những người dân địa phương, được biết: Chùa Hương Nghiêm được Bộc xạ tướng công Lê Lương xây từ đầu thế kỷ thứ X, là chùa được xây đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa còn đến ngày nay. Nhà sử học Lê Văn Hưu là hậu duệ đời thứ 7 của Lê Lương. Thời điểm trước năm 1990, bài vị thờ nhà sử học Lê Văn Hưu được nhân dân thờ cúng trong chùa Hương Nghiêm.
Năm 1990, Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia cho chùa Hương Nghiêm thờ Lê Văn Hưu. Năm 1993, do nhận thấy việc thờ cúng Lê Văn Hưu cùng tín ngưỡng thờ Phật trong chùa là không hợp lý, nhân dân xã Thiệu Trung đã quyên góp kinh phí, dựng một khu đền nhỏ bên cạnh chùa Hương Nghiêm, rước bài vị, lập ban thờ mới để thuận tiện cho việc thực hiện các nghi thức tế lễ hàng năm. Tuy là hai khu khác nhau nhưng đền thờ Lê Văn Hưu và chùa Hương Nghiêm không có hàng rào ngăn cách và là quần thể di tích.
Đến năm 2019, dự án xây mới đền thờ Lê Văn Hưu được thực hiện, trong đó có di chuyển 6 hộ xung quanh để lấy đất xây đền. Cùng với đó, một hàng rào được xây cất bằng bê tông kiên cố đã chia đôi, tách biệt hẳn khuôn viên giữa chùa và đền. Thậm chí bức tường này còn đâm vào giữa giếng cổ - nơi được xem là huyệt đạo, chứa long mạch của dân làng Kẻ Dị từ ngàn xưa truyền lại.
Ông Nguyễn Văn Xuân, cư dân Kẻ Dị cho biết: Tại Quyết định 208 ngày 13/3/1990 của Bộ Văn hóa thì diện tích chùa Hương Nghiêm và đền thờ Lê Văn Hưu là một. Do vậy việc xây tường ngăn cách này làm ảnh hưởng đến mỹ quan, không gian di tích. Đồng thời, khu tường rào kiên cố được xây dựng chia cắt giếng Ngọc, sân giếng thành hai phần riêng biệt.
“Cách thực hiện dự án không hợp lý làm ảnh hưởng đến mỹ quan, đời sống tâm linh của người dân. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị chính quyền cấp xã có ý kiến gửi đến các cơ quan chức năng xem xét thay đổi một phần thiết kế của dự án!” - ông Xuân nói.
Trước nguyện vọng của người dân, ông Lê Đức Hạnh – Trưởng phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Thiệu Hóa cho biết: Đến nay, dự án trùng tu, tôn tạo đền thờ Lê Văn Hưu đã đi đến giai đoạn thứ 2. Tức là sắp đi vào giai đoạn hoàn thiện và bàn giao. Những ý kiến phản ánh của người dân địa phương, huyện đã nhận được, đang cho tiếp thu và kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, đây là dự án được Bộ VHTTDL phê duyệt các hạng mục nên chủ đầu tư không thể tự ý thay đổi thiết kế.
“Về lâu dài, sau khi dự án hoàn tất và được bàn giao cho địa phương quản lý, nếu có những bất cập, không hợp lý trong quá trình hoạt động, UBND xã Thiệu Trung sẽ có trách nhiệm làm tờ trình, xin được sửa chữa, điều chỉnh lại một số hạng mục nhỏ cho phù hợp với tín ngưỡng của nhân dân. Còn hiện tại thì chủ đầu tư và nhà thầu phải tuân thủ theo đúng thiết kế đã được trên phê duyệt” - ông Hạnh khẳng định.
Với cách làm như ông Hạnh nói thì khác nào biết mà “bưng tai bịt mắt” cho xong việc mình? Rồi khi làm xong mà lại sửa thì thật lãng phí, tức là, một lần nữa Nhà nước phải bỏ tiền ra để phá đi phần dự án đã hoàn thành.