Rác thải y tế tại khu cách ly: Tuyệt đối không để mầm bệnh ra môi trường

Trường gIang 14/08/2021 07:51

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của rác thải y tế. Nhất là tại các bệnh viện, khu cách ly tập trung, mỗi ngày rất nhiều trang phục, kim tiêm, dây truyền dịch, thuốc men,... được thải ra. Nếu xử lý không tốt không chỉ gây áp lực lên môi trường mà còn nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Cùng với lượng rác thải khổng lồ tại các bệnh viện, khu cách ly tập trung thì lượng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, hộp xốp cũng được thải ra môi trường rất nhiều do người dân mua hàng online, thực phẩm đóng gói sẵn. Lượng khẩu trang y tế được hàng triệu người dân sử dụng và được thay thường xuyên nên cũng đang làm tăng lượng rác thải, gây khó khăn trong công tác xử lý và bảo vệ môi trường. Tại Hà Nội, chỉ riêng Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 mỗi ngày phải thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu cách ly khoảng 2-3 tấn rác thải…

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho môi trường, không để mầm bệnh nguy hiểm phát tán ra cộng đồng, thành phố Hà Nội và các đơn vị chức năng đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác xử lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19, đảm bảo nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có hướng dẫn các địa phương phân loại, thu gom, xử lý rác thải phát sinh do dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19.

Tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực /phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm và phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh….

Trường hợp cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trữ, việc quản lý rác thải sinh hoạt của người được cách ly có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 phải được thực hiện như đối với trường hợp người mắc và nghi ngờ mắc Covid-19 tại khu cách ly, phòng cách ly tại cơ sở cách ly tập trung.

Không theo quy trình thông thường, rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly sau khi tiếp nhận sẽ được nhân viên vệ sinh môi trường bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh. Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng có khoang kín sẽ được phun xịt khử khuẩn. Khi về đến công trường, rác tiếp tục được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý...

Theo đại diện công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội- đơn vị quản lý, vận hành các khu xử lý rác thải, phụ trách phần lớn địa bàn Thủ đô, đơn vị đã chủ động xây dựng các kịch bản đảm bảo vệ sinh môi trường Thành phố như trường hợp xuất hiện nhiều khu vực cách ly, phong tỏa trên địa bàn, trường hợp người lao động thành F0; Thành lập đường dây nóng trực 24/24 để đảm bảo công tác điều hành sản xuất kịp thời. Mỗi người công nhân vào ca đều được trang bị đầy đủ thiết bị phòng, chống dịch như: Khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn, mũ chống giọt bắn; khai báo y tế hàng ngày và quét mã QR khai báo y tế khi đến làm việc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Chỉ đạo các cơ sở y tế và khu vực cách ly tập trung bố trí các điểm thu gom, lưu giữ khẩu trang y tế theo đúng quy định; hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế thăm, khám trước khi ra về phải thải bỏ vào các thiết bị lưu chứa chất thải y tế và xử lý theo đúng quy định để ngăn ngừa nguy cơ phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Trường gIang