Khảo sát, rà phá trên 485.000 ha đất có bom mìn
Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam ( VNMAC) cho biết, đến nay đã hoàn thành công tác điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc và công bố năm 2018.
Theo thống kê giai đoạn 2016-2020 công tác khắc phục hậu quả bom mìn chất độc hóa học (BMCĐHH) sau chiến tranh ở Việt Nam đã thu được những kết quả nổi bật như: Xây dựng được các văn bản, quy định nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác khắc phục hậu quả BMCĐHH/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam. Công tác xử lý BMCĐHH/dioxin ở những điểm nóng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giảm thiểu tác hại đến môi trường và con người. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế, vận động tài trợ, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tạo sự chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng.
Đặc biệt, giai đoạn 2010 đến 2020, đã khảo sát và rà phá bom mìn 485.000 ha với tổng giá trị khoảng 12.614 tỷ đồng. Tổ chức xử lý triệt để, cô lập an toàn được 2 trong số 3 điểm nóng ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam (Sân bay Đà Nẵng và Sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định). Làm tốt công tác giải quyết chính sách, hỗ trợ nạn nhân BMCĐHH/dioxin với khoảng 163.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin và hơn 73.000 con đẻ của họ. Xây dựng khoảng 100 cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân BMCĐHH/dioxin, hỗ trợ 5.860 lượt nạn nhân.
Bên cạnh đó tổ chức tốt tuyên truyền, giáo dục nguy cơ phòng tránh tại nạn bom, mìn trên các phương tiện truyền thông; các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới nâng cao nhận thức về hiểm họa bom, mìn; giáo dục nguy cơ tai nạn bom, mìn trực tiếp tại các trường học, khu dân cư; 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng; hỗ trợ trực tiếp cho hơn 5.800 trường hợp nạn nhân bom, mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác với tổng số kinh phí hơn 50 tỷ đồng.
“Trong giai đoạn 2021-2025, trung tâm tiếp tục triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án rà phá bom, mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu rà phá 800.000ha, ưu tiên tại các địa phương bị ô nhiễm nặng. Dự kiến trong quý III năm 2021, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành và UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Hà Giang tổ chức các hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn và hỗ trợ nạn nhân bom, mìn”, đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Bom mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hằng ngày đối với nhiều người dân tại Việt Nam. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn với gần 6,1 triệu ha bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm, chiếm 18,71% tổng diện tích của cả nước.
63/63 tỉnh, thành phố được xác định có ô nhiễm bom mìn, vật nổ với mức độ và tỷ lệ khác nhau, đặc biệt có nhiều xã, phường diện tích bị ô nhiễm chiếm hơn 80%. Trước thực trạng này trong thời gian qua Đảng, Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực, sự hợp tác quốc tế để khắc phục hậu quả do ô nhiràễm bom mìn sau chiến tranh.
Theo VNMAC, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến tiếp tục tài trợ 25 triệu USD cho Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Khoản tài trợ là nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, đồng thời đáp ứng sự phát triển lâu dài, ổn định. Trong đó chủ yếu là triển khai các hoạt động rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn và phát triển nông thôn. Đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án là cộng đồng dân cư, UBND tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và VNMAC.