Lấp lánh ‘Ánh sao nơi đầu tuyến’
“Anh xung phong ra tuyến đầu chống dịch/ Đánh trận này, trận đánh của toàn dân/ Dịch là kẻ thù của nhân loại/ Trên tuyến đầu người chiến sĩ áo trắng, áo xanh…”. Những ngày này, ca khúc “Ánh sao nơi đầu tuyến” của nhạc sĩ An Hiếu (dựa ý thơ của Nguyễn Anh Tuấn) lại vang lên, khiến nhiều người xúc động.
Ca khúc với giai điệu nhẹ nhàng, ca từ gần gũi thể hiện sự hy sinh thầm lặng cũng như tình yêu của những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch gửi gắm nơi hậu phương: “Dù có bao khó khăn, hiểm nguy nhưng vẫn luôn mang trong mình niềm tin chiến thắng”.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết chiều 14/8, nhạc sĩ An Hiếu cho biết, anh sáng tác ca khúc “Ánh sao nơi đầu tuyến” vào khoảng tháng 4/2020. “Khi đó Hà Nội thực hiện đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên, tôi xung phong vào đơn vị (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) để tham gia trực chiến.
15 ngày trong trạng thái cấm trại, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cùng các em học viên và cán bộ của nhà trường” - nhạc sĩ An Hiếu kể - “Có thể nói quãng thời gian đó đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm mới mẻ. Bên cạnh sự âu lo, có chút suy nghĩ về dịch bệnh thì vẫn có những điều tôi thấy khá tích cực. Tôi thấy tình người ấm áp, mọi người cùng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Có nhiều tấm gương, nhiều câu chuyện về những người chiến sĩ áo trắng, áo xanh khi đối đầu với nguy hiểm, gian khổ để cứu người bệnh. Và cứ như thế từng nét giai điệu và ca từ cứ hiện lên nhanh chóng, đầy hơi thở cuộc sống và cảm xúc âm nhạc”.
Từ những cảm xúc đó, lại thêm đọc được một bài thơ của học viên Nguyễn Anh Tuấn (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội - nơi nhạc sĩ An Hiếu đang giảng dạy) trên Facebook, nhạc sĩ An Hiếu đã hoàn thành ca khúc “Ánh sao nơi đầu tuyến”.
Anh thừa nhận, lúc đầu chỉ nghĩ đây là một bài hát tuyên truyền, cổ động để chống dịch như nhiều tác phẩm khác. “Nhưng khi sản phẩm âm nhạc được hoàn thiện với phần hòa âm phối khí hay, với giọng ca truyền cảm, mạnh mẽ của ca sĩ Đông Hùng thì tôi lại nghĩ khác và quyết định đầu tư làm một video minh họa bằng tranh cát. Đó là một hình thức thể hiện mới mẻ nhưng cũng rất xúc động của họa sĩ Quỳnh Hoa. Chúng tôi dành rất nhiều thời gian để lên ý tưởng, chỉnh sửa cho đến lúc công bố”, nhạc sĩ chia sẻ.
Điều khiến anh không ngờ tới là ngay sau đó bài hát được nhiều người đón nhận, yêu mến. Đài Truyền hình Việt Nam và một số đài địa phương đã dành thời lượng để phát sóng, có những phần phỏng vấn riêng cho tác giả. Nhiều ca sĩ và khán giả trẻ yêu cầu được thể hiện lại bởi những giai điệu trẻ trung, tha thiết.
Đặc biệt, từ ca khúc này, Cục Thông tin cơ sở (Bộ TTTT) cũng đã làm một MV khác, trong đó có sự tham gia của hơn 200 cán bộ đến từ Cục Thông tin cơ sở và 31 Sở TTTT các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nếu ở bản đầu, Đông Hùng hát theo phong cách Pop Ballad thì ở MV mới này, nhạc sĩ An Hiếu đã phối khí lại. Theo đó, sau dạo giữa bài hát anh chuyển sang phong cách nhạc điện tử (EDM) để mọi người hát trong khí thế hào hùng, tin tưởng về một ngày mai tươi sáng khi chúng ta sớm chiến thắng bệnh dịch.
“Đã có rất nhiều bài hát cổ động phòng, chống Covid-19 được vang lên với những tiết tấu nhanh, mạnh của nhạc rock, EDM, jazz...; tuy nhiên, tôi là người đi sau, nếu vẫn đi trên “cách nghĩ, cách làm” như vậy thì chắc chắn tính lan tỏa sẽ không cao. Khi dịch diễn biến càng phức tạp, đã có những bệnh nhân tử vong, tôi càng thấy cảm phục những chiến sĩ áo trắng, áo xanh. Họ sẵn sàng đối mặt hiểm nguy, dù biết cuộc chiến đấu còn dài...”, nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ.
Nhận xét về những ca khúc mới ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gần 2 năm qua, nhạc sĩ An Hiếu nói: Rất nhiều ca khúc hay đã được ra đời kịp thời để cổ vũ cho những ngày đêm đang ở tuyến đầu chống dịch. Các tác giả cũng rất đa dạng. Có thể là chuyên nghiệp và nghiệp dư. Có thể là rất ít tuổi và người cao tuổi. Họ ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Chất liệu âm nhạc cũng khá phong phú: có nhạc nhẹ, nhạc cổ điển và cả nhạc dân gian của nhiều dân tộc, nhiều loại hình.
Các ca khúc này thật sự là những liều “vaccine tinh thần” rất hiệu quả gửi đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời có tính chất tuyên truyền đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch. Có thể nhận định rằng các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã thể hiện được ý thức, trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước. Họ đã mang bằng lời ca, tiếng hát - những điều tưởng như nhỏ bé nhất - để góp phần đẩy lùi đại dịch.
Nhạc sĩ An Hiếu 46 tuổi, hiện là giảng viên tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Trước đó, anh là Trưởng ban nhạc Đồng đội. Hồi tháng 3 năm nay, anh có sáng tác bài “Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng”. Bài hát đã đạt giải cao nhất trong cuộc thi Vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Nói thêm về ca khúc “Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng”, nhạc sĩ An Hiếu tâm sự: “Tôi rất vui mừng khi được BTC mời tham gia cuộc vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2021). Lúc đầu tôi gặp khá nhiều khó khăn để tìm “lối vào” cho ca khúc, nhưng có lẽ những vốn sống, kỉ niệm của một thời làm cán bộ Đoàn và một chút may mắn đã giúp tôi chinh phục chướng ngại vật đó. Tôi chỉ cần 2 ngày là hoàn thiện từ việc sáng tác cho đến hòa âm, thu thanh và mix mastering. Để cho kịp tiến độ thì tôi lao vào làm ca sĩ thu thanh luôn. Đó là một kỉ lục thú vị của riêng tôi”.