Học thật và thi thật
Cuối tuần qua, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học. Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã yêu cầu năm học mới các trường THPT phải học thật, thi thật.
Vậy thế nào là học thật? Trước hết, học tập là “học và luyện tập để hiểu biết, để có kỹ năng; học tập là để làm theo gương tốt”. Như vậy, học hay học tập là một quá trình nhằm thu nhận tri thức, rèn luyện và phát triển kỹ năng và là hoạt động tự thân của người học. Mặt khác, học tập chỉ có là để làm những việc lương thiện, làm theo gương người tốt, việc tốt, mà không nên hiểu học tập có thể là trở thành người vô tích sự, người xấu. Hiểu và học tập như vậy là học thật và học cho chính mình.
Học tập bao giờ cũng có hai mặt và luôn đan xen nhau, đó là: học tập là quá trình khám phá, phát hiện và học tập là sự thúc giục của tính ham muốn/thích thú, mà ham muốn chính là một trong những bản năng của con người. Do đó muốn học sinh học thật là phải tạo ra sự hứng thú, có cảm xúc hạnh phúc trong suốt quá trình học tập của các em.
Cuối cùng, học thật là học phải có mục đích đúng. Mà mục đích cao cả của học tập theo UNESCO bao gồm: học để biết cách học để học tập suốt đời; học để làm, biết vận dụng những hiểu biết để giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, một cách hiệu quả. Tức là học để phát triển năng lực bản thân; học để sáng tạo, học không chỉ để tiếp nhận kiến thức mà còn luôn làm giàu có sự hiểu biết của mình một cách sáng tạo; học để cùng chung sống, để tự khẳng định, tự thừa nhận vị trí tồn tại xứng đáng của mình trong xã hội. Hiểu đúng hàm ý của từ học tập để chúng ta chinh phục nó và cố công vươn tới đạt trình độ cao nhất của học thật.
Còn hiểu thế nào là thi thật? Thi hay thi cử về bản chất cũng chính là kiểm tra, đánh giá người học. Dù đó là đánh giá thường xuyên hay định kỳ ở trường, lớp hay kỳ thi theo quy mô lớn tới cấp quốc gia. Nói chung, đánh giá học sinh theo đúng phương pháp và đúng quy chế đó là thi thật. Còn đánh giá mà tùy tiện, sửa điểm học bạ đẹp đến “long lanh” hay trắng trợn nâng điểm thí sinh ở một số tỉnh là những hành vi gian dối, không thể chấp nhận và được coi là thi giả, không phải thi thật.
Trước hết, đánh giá học sinh phải toàn diện về đức, trí, thể mỹ đồng thời cả về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực. Chỉ quan tâm đánh giá mặt kiến thức, thông qua điểm số là đánh giá phiến diện, không thật, chưa phải đánh giá đúng sản phẩm thật của nhà trường. Mặt khác, đây chỉ là tổng kết những gì học sinh học được mà không biết các em học như thế nào, rèn luyện ra sao. Cuối cùng chỉ nhằm mục đích xếp loại, so sánh học sinh này với học sinh khác. Điều này gây ra áp lực và nảy sinh bệnh thành tích trong giáo dục.
Đánh giá đúng một con người hay đánh giá thật người học là điều vô cùng khó, đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo, để có năng lực đánh giá và trên hết là phải có trái tim nhiệt huyết với nghề.
Sao nhãng, đối phó việc học hay gian dối trong kiểm tra đánh giá và thi cử, rõ ràng là hiện tượng xấu, là học giả, thi giả. Còn theo xu thế đổi mới ngày nay thì người ta coi hoạt động học tập và đánh giá phù hợp với nguyên lý, đúng phương pháp, hiệu quả chính là bản chất của đổi mới giáo dục, là mục tiêu của học thật và thi thật.