Taliban sẽ sớm tuyên bố 'Tiểu vương quốc Hồi giáo'
Sau khi Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn khỏi Afghanistan, rất có thể đất nước này sẽ trở thành Tiểu vương quốc Hồi giáo của Taliban.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã bỏ trốn khỏi đất nước
Tổng thống Afghanistan đã rời khỏi khỏi đất nước này hôm 15/8, trong bối cảnh hỗn loạn trước sự lớn mạnh của lực lượng Taliban, báo hiệu hồi kết cho cuộc thử nghiệm kéo dài 20 năm của phương Tây nhằm tái thiết Afghanistan.
Các quan chức Afghanistan cho biết Tổng thống “bị lôi kéo” Ashraf Ghani đã bỏ trốn khỏi đất nước khi nhóm phiến quân Taliban tiến sâu vào thủ đô Kabul.
Hai vị quan chức yêu cầu được giấu tên vì họ không được phép chia sẻ việc ông Ghani chạy trốn khỏi đất nước với cánh nhà báo hãng AP. Abdullah Abdullah, người đứng đầu Hội đồng Hòa giải Quốc gia Afghanistan, sau đó xác nhận Ghani đã rời đi trong một video được đăng tải trực tuyến.
“Ghani đã rời Afghanistan trong thời kỳ loạn lạc và đen tối của đất nước. Chúa sẽ bắt ông ấy phải chịu trách nhiệm”, Abdullah chia sẻ.
Hiện tại vẫn chưa có thông tin về điểm đến và nơi ở của Tổng thống Afghanistan.
Trong một diễn biến khác, Taliban đã chiếm giữ gần như toàn bộ Afghanistan chỉ trong hơn một tuần, bất chấp việc Mỹ và NATO đã chi hàng tỷ đô la trong gần hai thập kỷ để xây dựng lực lượng an ninh Afghanistan.
Chỉ vài ngày trước đó, một đánh giá quân sự Mỹ ước tính phải một tháng nữa thủ đô Kabul mới có thể thất thủ.
Sự sụp đổ của Kabul đánh dấu chương cuối cùng của cuộc chiến dài nhất nước Mỹ, bắt đầu sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, cuộc tấn công khủng bố lịch sử do trùm khủng bố Osama bin Laden của al-Qaeda chủ mưu, sau đó được công bố là chính quyền Taliban chủ mưu. Một cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu đã đánh bại Taliban.
Trong nhiều năm, Mỹ đã nỗ lực tìm kiếm lối thoát cho cuộc chiến dai dẳng này. Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump đã ký một thỏa thuận với Taliban vào 2/2020 nhằm hạn chế các hành động quân sự trực tiếp chống lại quân nổi dậy.
Vẫn chưa rõ khi nào vụ chuyển giao quyền lực tại đất nước này sẽ diễn ra và ai thuộc lực lượng Taliban đang đàm phán. Các đàm phán viên thuộc chính phủ bao gồm cựu Tổng thống Hamid Karzai, lãnh đạo của nhóm chính trị và bán quân sự Hizb-e-Islami Gulbudin Hekmatyar và Abdullah, người đã lên tiếng chỉ trích Ghani.
Nhiều người chọn cách chạy trốn phải đến bằng được sân bay Kabul, con đường cuối cùng thoát khỏi đất nước khi Taliban hiện đang nắm giữ mọi cửa khẩu đường bộ. NATO cho biết họ đang "giúp duy trì các hoạt động tại sân bay Kabul để giữ cho Afghanistan kết nối với thế giới".
Lực lượng Taliban sẽ sớm tuyên bố “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan”
Trang tin tức Al-Jazeera đã chiếu một đoạn phim quay cảnh lượng lớn tay súng Taliban xuất hiện bên trong dinh Tổng thống đặt tại thủ đô Kabul.
Một quan chức Taliban cho biết lực lượng này sẽ sớm tiếp quản dinh thự, đồng thời tuyên bố về “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” từ dinh tổng thống ở thủ đô Kabul.
Đó chính là tên của Afghanistan dưới thời chính quyền Taliban trước khi bị Mỹ lật đổ, sau vụ tấn công vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ngày 11/9/2001.
Tình hình hiện tại ở thủ đô Kabul đang vô cùng hỗn loạn. Sau khi Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn khỏi Afghanistan, các đại sứ quán tại thủ đô Kabul đang gấp rút đưa các quan chức cũng như người dân của mình trở về đất nước an toàn.
Truyền thông Đức đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp tới Thủ tướng Angela Merkel và Ngoại trưởng nước này về chiến dịch đưa các nhân viên thường trú tại Afghanistan trở về Đức.
Các tờ báo lớn của Đức, đài truyền hình quốc gia đều cảnh báo rằng tính mạng của những nhân viên tự do này đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Trích dẫn một số vụ tấn công gần đây nhằm vào các nhà báo, một bức thư được đăng tải trên truyền thông nói rằng với sự lớn mạnh của Taliban, họ sợ rằng những vụ giết người như vậy sẽ gia tăng đáng kể - và nhân viên tại đây đang gặp rủi ro. “Nhân viên của chúng tôi muốn ngay lập tức rời khỏi đất nước có nguy cơ bị ngược đãi, bắt giữ, tra tấn và thậm chí là giết chết. Đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu chính phủ cần hành động nhanh chóng”.
NATO cho biết họ đang giúp "duy trì các hoạt động tại sân bay quốc tế Kabul để giữ Afghanistan kết nối với thế giới". Cũng trong một tuyên bố mới nhất, NATO vẫn sẽ duy trì sự hiện diện ngoại giao của mình ở thủ đô Kabul. “Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của Afghanistan nhằm tìm ra giải pháp chính trị trong cuộc xung đột, vốn đang cấp bách hơn bao giờ hết”.
Trong ngày 15/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ nỗ lực vì sự ổn định ở Afghanistan cùng với Pakistan, nhằm ngăn chặn làn sóng di cư ngày càng gia tăng trong bối cảnh Taliban làm chủ gần như toàn bộ quốc gia này. Ông cho biết, nhiều người dân Afghanistan đang cố gắng di cư sang Thổ Nhĩ Kỳ qua Iran.