Trang phục phụ nữ Mông Hoa: Tác phẩm nghệ thuật trang trí tiêu biểu
Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông Hoa chính là một tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật trang trí.
Nhằm bảo tồn và phát huy những nét độc đáo của nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa ở huyện Bắc Hà (Lào Cai), mới đây, Bộ VHTTDL đã ra quyết định công nhận nghệ thuật này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trang phục của người Mông Hoa về cơ bản gồm có bộ trang phục nam giới và nữ giới. Trong đó, bộ trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông Hoa chính là một tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật trang trí.
Nét độc đáo trong trang phục
Ở Bắc Hà, đồng bào Mông Hoa chiếm dân số đông trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, sống tập trung ở các xã Bản Phố, Lùng Cải, Lùng Phình, Tả Van Chư và Lầu Thí Ngài… Đây là cộng đồng dân tộc có truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc, nổi bật là nghệ thuật tạo hình trên các trang phục thổ cẩm của phụ nữ.
Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông Hoa gồm khăn, áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, thắt lưng, xà cạp… Khăn của phụ nữ Mông Hoa có hai loại, đó là loại hình chữ nhật khổ 65x40cm thêu hoa văn trùm lên đầu, một loại khăn vành rộng quấn quanh đầu. Áo của phụ nữ Mông Hoa thường xẻ nách, cổ cao, trên vai và ngực có nẹp thêm vải màu thêu, in hoa văn hình xoắn ốc. Váy chủ yếu là dùng các màu đỏ, xanh đậm… trông nổi bật, rực rỡ.
Thắt lưng là miếng vải rộng khoảng 7 - 8 cm và dài 80 - 120 cm, đoạn giữa thắt lưng được thêu các hoa văn, màu đẹp, quấn ngang bụng, tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ, đồng thời cũng làm cho các thiếu nữ Mông có vóc dáng đẹp hơn. Họa tiết hoa văn trên nền trang phục chủ yếu là các hoa văn hình học và mang tính chất ước lệ. Đó là những đường ngang, viền đậm dài hoặc gẫy góc, tạo ra các khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi…
Phụ nữ Mông Hoa giỏi may, thêu được cả cộng đồng đề cao, tôn trọng, đây cũng là tiêu chí để các chàng trai lựa chọn vợ. Trước khi đi làm dâu, người mẹ tặng cho con gái bộ váy, áo coi như của hồi môn. Khi về nhà chồng, cô gái lại thêu, dệt váy áo để tặng mẹ đẻ, mẹ chồng và các em của chồng. Không những thế, người phụ nữ khi đã làm mẹ còn có nghĩa vụ dạy bảo con gái trồng lanh và làm thổ cẩm. Trẻ em gái dân tộc Mông Hoa ngay từ khi 7 - 8 tuổi đã được mẹ hướng dẫn cách dệt vải, thêu, may các hoa văn truyền thống, để đến khi lấy chồng sẽ may được 8 - 15 chiếc váy làm của hồi môn.
Nghệ thuật tạo hình phong phú
Người già ở Bắc Hà, Lào Cai kể lại: Phụ nữ Mông chính là tác giả của nghệ thuật tạo hình trên nền trang phục. Cả cuộc đời, họ gắn bó với công việc thêu, dệt vải và in hoa văn. Khi còn nhỏ, các bé gái đã cùng mẹ học thêu, in sáp ong lên váy. Chỉ dùng để thêu thường là sợi tơ tằm vừa to, vừa dai, vừa bền màu. Đặc biệt, phụ nữ Mông Hoa có cái nhìn khái quát, giàu óc tưởng tượng hoàn toàn dựa vào trí nhớ để thêu hoa văn. Nhiều người khi thêu đã thuộc màu ưa thích, không cần nhìn màu, nhìn mẫu mà vẫn thêu được những họa tiết theo ý muốn. Khi dệt vải, phụ nữ Mông Hoa thường tính toán tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ, cách sắp xếp các họa tiết, kích thước hoa văn trên mảnh vải. Nếu thêu ở mặt trái của sợi vải nhưng hình mẫu nổi lên ở mặt phải, kỹ thuật thêu hoa văn càng phức tạp, đòi hỏi càng phải kiên trì, cẩn thận.
Phụ nữ Mông Hoa còn dùng kỹ thuật in sáp. Công cụ dùng vẽ mẫu in sáp là bút vẽ được làm bằng đồng. Có nhiều loại bút dùng để vẽ các đường có kích thước khác nhau. Khi vẽ xong, họ đem vải đã in sáp ong nhuộm chàm, sau nhiều lần ngâm, nhuộm, vải đã có màu sẫm thì đem nhúng vào nước sôi, sáp ong sẽ chảy ra, để lại những hoa văn. Ở Bản Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai, phụ nữ thường trang trí các hoa văn là hình cong sừng trâu. Đặc biệt, trên một số mũ của em gái có thêu hình xoắn ốc.
Bảng màu của người Mông không nhiều, chủ yếu xuất hiện 6 loại màu: Chàm sẫm, đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Được biết, để tạo nên màu chàm sẫm, người phụ nữ Mông phải tiến hành nhiều khâu. Ngay khi dệt xong, họ nấu vải trong tro bếp cho thật trắng và phơi trên phiến đá phẳng, lấy vồ gỗ đập để vải bóng mịn. Sau khi nhuộm chàm, váy áo còn được ngâm vào nước có pha lòng trắng trứng để cho mặt vải bóng loáng lên, đẹp tươi. Màu đỏ trước đây được nhuộm từ một loại cây hoặc một loại thuốc có màu đỏ, ngày nay, trên thị trường có nhiều loại vải nên người dân mua vải đỏ công nghiệp là chủ yếu. Trong trang phục của người Mông, màu đỏ là chủ đạo, vừa làm màu nền trung gian vừa tạo các họa tiết chính, phối hợp màu vàng và màu trắng nhằm đối chọi với nền chàm tạo nên sắc màu rực rỡ của trang phục…
Nghệ thuật tạo hình dân gian khiến trang phục thổ cẩm phụ nữ Mông Hoa nổi bật trong sắc màu thiên nhiên núi rừng. Nó thể hiện sự cần cù, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ, đồng thời phản ánh những giá trị văn hóa, thẩm mỹ, góp phần tạo thêm sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa - nghệ thuật, tinh thần của người Mông Hoa.
Đối với người Mông trang phục là cái mặc, cũng là của cải gia truyền mà ai nấy đều phải bảo tồn và phát huy sao cho ngày càng đẹp, càng quý, phản ánh được rõ nét truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, cá tính và sự giàu có của tộc người. Trải qua thời gian, trang phục của phụ nữ Mông ở Lào Cai vẫn giữ khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc. Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ Mông đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm lòng người…