Cô gái người Giáy tại đấu trường Olympic Tokyo
Ít ai biết rằng, trong Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 vừa qua có một vận động viên người dân tộc Giáy. Đó là lực sĩ Hoàng Thị Duyên.
1. Trong giới thể thao, cái tên Hoàng Thị Duyên đã trở nên quen thuộc. Cô gái sinh năm 1996 này là người dân tộc Giáy, đến từ tỉnh Lào Cai. Con đường để Hoàng Thị Duyên trở thành một vận động viên đem về cho thể thao Việt Nam nhiều tấm huy chương bắt đầu từ khá sớm.
Khi đang là học sinh lớp 7 Trường THCS xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Duyên đã lọt vào “mắt xanh”, của HLV Nguyễn Cao Hùng, Phó trưởng Phòng đào tạo, huấn luyện kiêm phụ trách môn cử tạ (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Lào Cai). Ấy là vào năm 2009, khi vị huấn luyện viên (HLV) này thường xuyên đi đến các trường học trong tỉnh tìm kiếm hạt giống thể thao về đào tạo bồi dưỡng. Một lần tình cờ ghé thăm Trường THCS Đồng Tuyển, quan sát một giờ tập thể dục, ông đã may mắn phát hiện một cô gái có thể hình lý tưởng cho đào tạo vận động viên môn Cử tạ. Tất nhiên, ở tuổi 12-13 khi đó, cũng như bạn bè cùng trang lứa, Hoàng Thị Duyên chưa có khái niệm gì về thể thao, càng không biết gì về thể thao, về cử tạ chuyên nghiệp.
Thế nhưng con đường đến với thể thao chuyên nghiệp của Duyên không hoàn toàn dễ dàng.
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhà Duyên có 3 anh chị em, từ nhỏ cô đã phải làm đủ thứ việc chân tay vất vả. Hàng ngày, sau giờ học buổi sáng, Duyên đi bộ vào trung tâm thành phố Lào Cai, đến Trung tâm Huấn luyện thể thao của tỉnh để kịp lúc 14h học kỹ thuật và rèn thể lực môn Cử tạ. Mà muốn đến nơi tập Duyên phải đi bộ qua một quả đồi rất cao, có đạp xe cũng không leo nổi. Cả đi cả về 12 cây số, lại phải leo qua đồi cao, nhưng không buổi tập nào Duyên vắng mặt. Thoạt đầu, Duyên giấu bố mẹ đi bộ đến nơi tập, đến khi biết chuyện, bố mẹ Duyên phản đối…
HLV Nguyễn Cao Hùng từng nói rằng, ở Lào Cai không thiếu những vận động viên tài năng, tuy nhiên chỉ có tài năng thì không đủ. Theo ông, điều cốt yếu tạo nên một nhà vô địch ngoài năng khiếu thiên bẩm còn cần có sự đam mê và nỗ lực vượt khó phi thường. Hoàng Thị Duyên là vận động viên hiếm hoi hội tụ đầy đủ các phẩm chất ấy để trở thành nhà vô địch khu vực và thế giới bộ môn Cử tạ.
Từ phát hiện của thầy Cao Hùng và sự luyện tập chăm chỉ của Hoàng Thị Duyên, năm 2010, cô gái dân dộc Giáy giành huy chương quốc gia đầu tiên cho cử tạ Lào Cai ở Giải Thanh thiếu niên toàn quốc lứa tuổi 13-14. Lúc đó Duyên thi đấu hạng 44 kg và giành được 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng.
2. Để đến được Thế vận hội diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) vừa qua, Hoàng Thị Duyên đã trải qua hành trình cam go với nhiều cuộc thi vòng loại Olympic khắc nghiệt ở nhiều nơi trên thế giới và giành được tấm vé chính thức đến thế vận hội. Trước đó, cô đã giành 3 Huy chương Vàng Cúp cử tạ thế giới 2020, Huy chương Vàng SEA Games 30 năm 2019, Huy chương Đồng châu Á 2021...
Chiều 27/7/2021, nhiều người Việt Nam trong đó có bà con người Giáy ở Lào Cai theo dõi trực tiếp vận động viên Hoàng Thị Duyên thi đấu tại Olympic Tokyo. Ở nội dung cử tạ hạng 59 kg nữ, Duyên đăng ký mức cử giật khởi điểm 95 kg. Cô nâng được tạ lên và hạ xuống khi có tín hiệu trọng tài. Trọng tài cũng cho Duyên 2 tín hiệu trắng, một đỏ, có nghĩa kết quả của cô được công nhận. Nhưng ngay sau đó, trọng tài thay đổi quyết định và không chấp nhận kết quả của đô cử 25 tuổi của Đoàn Thể thao Việt Nam.
Theo dõi lại hình ảnh quay chậm cho thấy: Tay phải của Duyên bị cong khi đẩy tạ lên, trong khi tay trái vẫn giữ thẳng. Vì thế thanh tạ cũng hơi bị chùng xuống phía bên phải. Hoàng Thị Duyên đã cố gắng chỉnh tay phải cho thẳng nhưng bất thành. Đây là chi tiết khiến đô cử người Lào Cai không được công nhận kết quả. Khi tạ đã ở trên cao nhất, Duyên mới chỉnh được thẳng tay.
Theo Quy định kỹ thuật và thi đấu của Liên đoàn Cử tạ quốc tế (IWF), điều 2.2 về kỹ thuật cử giật, có đoạn: “Vận động viên nắm chặt thanh tạ, lòng bàn tay hướng xuống, cánh tay duỗi thẳng hết cỡ khi chuyển động từ dưới lên trên đầu. Khi tạ đã cố định ở trên đầu, cả cánh tay và chân đều phải duỗi thẳng hết cỡ”. Dựa theo quy định này, kết quả nâng tạ của Hoàng Thị Duyên không được công nhận.
Lần nâng tạ bất thành này ảnh hưởng nhiều đến thành tích của Duyên, khi cô phải thực hiện lại mức 95 kg sau đó, và chinh phục được. Đến lần nâng cuối, Hoàng Thị Duyên bất ngờ làm rơi tạ 98 kg. Nếu thành công ở lần đầu nâng mức 95 kg, Duyên đã có 2 cơ hội nâng mức 98 kg, hoặc nâng mức 97 kg rồi 99kg tuỳ diễn biến đua tranh với các đô cử khác. Thành tích cử giật 95 kg được xem là không thành công, bởi ở 6 trong 7 giải trước đó Duyên đạt kết quả tốt hơn thế.
Việc không có thành tích tốt ở cử giật khiến Duyên phải nâng mức tạ quá sức trong phần cử đẩy để hy vọng đoạt huy chương. Ở mức cử đẩy 119 kg, đô cử Lào Cai hai lần thất bại. Cô đứng thứ 5 chung cuộc, với tổng cử 208kg.
Giới quan sát thể thao cho rằng, sau khi vận động viên Thạch Kim Tuấn thất bại trong mục tiêu giành huy chương Olympic cho cử tạ Việt Nam, áp lực lên Hoàng Thị Duyên càng lớn. Thế nhưng cũng như Tuấn, Duyên có quá trình chuẩn bị chuyên môn chưa tốt cho Olympic lần này. Cụ thể, hơn một năm qua không được đi thi đấu nước ngoài nhiều vì Covid-19 khiến trình độ của Duyên không được cải thiện. Duyên và Tuấn cùng bị cách ly tập trung đến hơn 40 ngày sau khi từ Uzbekistan tham dự vòng loại Olympic về nước vào cuối tháng 4 vừa qua.
Giới chuyên gia phân tích, trong hơn 1 tháng chuẩn bị chuyên môn cho Olympic Tokyo, thời gian đó là quá ngắn để các vận động viên hoàn thiện thể lực, kỹ thuật. Thậm chí trước ngày lên đường, Hoàng Thị Duyên còn bị chấn thương gối tái phát.
Không thể giành huy chương là nỗi buồn với Hoàng Thị Duyên và thể thao Việt Nam. Nhưng chắc chắn cô gái người Giáy có biệt danh “Duyên chân to” này cũng đã có thể mỉm cười. Hoàng Thị Duyên đã đi một hành trình rất xa, nhiều khó khăn và đáng tự hào từ miền núi cao của Việt Nam đến đấu trường cao nhất của thể thao thế giới - Olympic Tokyo 2020.