Bộ Xây dựng siết chặt việc huy động vốn trái phép
Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức phạt kịch khung lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản, đặc biệt việc huy động vốn trái phép rồi nộp phạt. Thực tế, ở Hà Nội hiện nhiều dự án đang làm hạ tầng kỹ thuật, thậm chí chỉ là những khu đất trống nhưng đã rầm rộ quảng cáo rao bán, huy động vốn trái phép dưới nhiều hình thức, tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng.
Phạt kịch khung 800 triệu đồng
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Dự thảo nghị định này quy định một số điểm mới về mức phạt tiền trong kinh doanh bất động sản, vi phạm xây dựng biện pháp khắc phục hậu quả, xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép…
Tại tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định, Bộ Xây dựng đánh giá sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (Nghị định 139) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng việc quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, vi phạm về trật tự xây dựng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để góp phần giảm thiểu tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch…..
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, Nghị định 139 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần thiết sửa đổi, bổ sung như chưa có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm; một số lĩnh vực còn thiếu chế tài xử lý; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…
Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức phạt kịch khung lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản.
Dự thảo lần này đã đưa vào các quy định của Thông tư 03/2018/TT-BXD tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139 trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 đến 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư). Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định, bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết…. Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP hiện hành, mức phạt cao nhất chỉ là 300 triệu đồng.
Nhiều dự án ồ ạt huy động vốn trái phép ở Hà Nội
Trước đó như phóng viên báo Đại Đoàn kết đã phản ánh, thời gian gần đây, hoạt động quảng cáo, giới thiệu căn hộ dự án chung cư Eco Smart City Cổ Linh (Long Biên, Hà Nội) diễn ra rầm rộ trên nhiều kênh rao vặt và trang mạng.
Theo ghi nhận PV, tháng 6/2021, dự án chung cư Eco Smart City Cổ Linh hiện chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, xung quanh được rào chắn kỹ lưỡng, đồng thời dựng biển bảng quảng cáo về dự án, mặt bằng căn hộ, tiện ích… mà chưa hề có hoạt động thi công xây dựng.
Theo những môi giới rao bán, dự án Eco Smart City Cổ Linh được quy hoạch xây dựng gồm 6 block cao 16 tầng với hơn 1.000 căn hộ, diện tích khoảng từ 40-77 m2. Giá bán khởi điểm dự kiến trên 40 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 1,9 - 3,4 tỷ/căn hộ.
Thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đang nhận đặt cọc thiện chí của khách hàng mua căn hộ chung với số tiền 30 triệu đồng. Khách hàng được lựa chọn căn đẹp và giá bán ưu đãi khi mở bán đợt 1.
Thậm chí, để lách luật, ngày 9/4/2021, Công ty TNHH Thiên Hương còn ký văn bản công bố Chính sách bán hàng Dự án Eco Smart City chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đặt cọc 100 triệu đồng; giai đoạn 2 ký hợp đồng đảm bảo và khách hàng nộp 20% tổng giá trị sản phẩm bao gồm cả VAT; giai đoạn 3 là hợp đồng mua bán khi đã đủ điều kiện mua bán căn hộ và khách hàng phải nộp 70% còn lại.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án Eco Smart City Long Biên chưa có giấy phép xây dựng. Sở Xây dựng chưa nhận được văn bản, hồ sơ nào liên quan đến việc nghiệm thu hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của dự án trên, cũng như văn bản của chủ đầu tư đề nghị xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Bộ Xây dựng cho hay, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014, một trong các hành vi bị cấm là: Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.
Tương tự, dự án Lavender Garden (176 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang trong giai đoạn thi công phần móng đã huy động vốn bằng hình thức đặt cọc. Ngay ngoài cổng dự án, văn phòng giao dịch được dựng lên với đông đảo nhân viên môi giới rao bán dự án công khai, rầm rộ.
Dự án này do liên danh Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) và Công ty Cổ phần Chế biến Kinh doanh lương thực - thực phẩm Hà Nội (Công ty thực phẩm Hà Nội) làm chủ đầu tư. Với quy mô 3.737,8m2, gồm 15 lô shophouse và 70 căn chung cư.