Giảm đà phi mã của giá thép

H.Hương 17/08/2021 07:09

Từ đầu năm đến nay, giá thép tăng đột biến tác động đến hoạt động xây dựng, kéo theo tăng giá nhiều mặt hàng. Mới đây, Bộ Tài chính đã có nhiều động thái nhằm bình ổn giá thép.

Điều chỉnh thuế để hạ nhiệt

CEO Phú Đông Group, ông Ngô Quang Phúc, cho biết giá thép tăng 50% từ cuối 2020 đến giữa quý II/2021 buộc doanh nghiệp (DN) điều chỉnh giá nhà thêm 5-10%.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, bước vào những tháng cuối năm là cao điểm mùa xây dựng, giá thép có thể sẽ tiếp tục tăng. Thống kê của VSA cũng cho biết, trung bình giá thép xây dựng nội địa trong quý 2/2021 tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020 và 39% so với thời điểm cuối năm 2020.

Đầu năm 2021, thị trường thép nội địa cũng đã chứng kiến cơn sốt giá thép hồi tháng 1, rồi tăng mạnh tiếp vào tháng 4. Cập nhật bảng giá mặt hàng thép tại thị trường miền Bắc hiện nay cho thấy dòng thép cuộn CB240 dao động từ 15.690 - 16.390 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá từ 16.550 - 16.800 đồng/kg.

Giá thép tăng mạnh thời gian qua được nhiều ý kiến cho rằng do chịu tác động từ tình hình thế giới. Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai, Chủ tịch CLB DN thép TP HCM phân tích, đại dịch khiến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia sụt giảm, kéo theo sản xuất vật liệu xây dựng trong đó có mặt hàng thép cũng giảm theo. Mặt khác, các mỏ khai thác quặng sắt trên thế giới cũng giảm công suất, trong khi đó chi phí nhân công, nguyên vật liệu sản xuất thép và chi phí vận chuyển tăng cao đã đẩy giá thép lên cao.

Việc giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, ảnh hưởng đến công tác quản lý thu chi, dự toán, dự phòng và cân đối ngân sách chung. Do vậy Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu một số mã hàng thép xây dựng đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu cao (15%, 20%, 25%) đồng thời đề xuất tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép.

Một phương án đã từng được bộ Tài chính đưa ra là giảm thuế nhập khẩu thép cốt bê tông từ 20% xuống 15%; đối với thép góc, khuôn, hình và thép có răng khía từ 15% xuống 10%. Thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với nhóm sắt thép không hợp kim cán phẳng thuộc tám mã hàng từ mức 20% và 25% xuống 15%. Về thuế xuất khẩu phôi thép, Bộ Tài chính muốn điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép từ 0% lên 5%.

Theo kỳ vọng khi thực hiện các biện pháp điều tiết từ thuế sẽ góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc xuất khẩu phôi thép giữ cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triến bền vững của ngành thép trong dài hạn.

Không loại trừ yếu tố đầu cơ

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngoài yếu tố cầu tăng, cung giảm, nguyên liệu khan hiếm và vận tải khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, không loại trừ yếu tố đầu cơ. Ông Hiếu cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chỉ cần một DN thép tăng giá là các DN khác cũng “té nước theo mưa” mà không nhất thiết phải có sự thỏa thuận hay bàn bạc cùng nâng giá, như thế cũng có thể coi là một sự bắt tay “ngầm”.

Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp trước động thái tăng giá mạnh của mặt hàng thép. “Trong nền kinh tế thị trường, bất cứ mặt hàng nào chỉ cần biến động trên 10% thì cơ quan chức năng phải tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp. Với giá thép, việc có thời điểm tăng đến 50 - 60% là bất thường “, ông Hiếu nói.

Báo cáo đánh giá về tác động của đề xuất điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu với các DN thép của Công ty Chứng khoán VnDirect cho hay, nếu mức thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5% có thể gây ảnh hưởng đến một số DN trong ngắn hạn, tuy nhiên mức độ tác động là không đáng kể.

Mặt khác, theo VnDirect, việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép có thể sẽ khiến các DN xuất khẩu bán sản phẩm này vào thị trường nội địa, khiến giá phôi thép giảm trong thời gian tới.

Ngoài ra, báo cáo của VnDirect cũng cho rằng, tác động của việc giảm 5-10% thuế nhập khẩu một số mặt hàng thép xây dựng lên các DN thép là không đáng kể, bởi được giảm 5-10% thì giá thép xây dựng Việt Nam vẫn đang rẻ hơn khoảng 20% so với giá thép nhập khẩu.

H.Hương