Ghép ảnh ảo hậu quả thật
Việc người dùng chạy theo trào lưu trên mạng xã hội, ghép khuôn mặt mình vào những video, hình ảnh có sẵn trên các ứng dụng chỉnh sửa sẽ kèm theo nguy cơ bị lộ thông tin, dữ liệu hình ảnh cá nhân.
Nở rộ các ứng dụng ghép mặt
Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, video thường được người dùng săn đón, thậm chí trở thành trào lưu trên mạng xã hội sau một thời gian ngắn ra mắt như: Chuyển đổi giới tính, phác họa chân dung giống nhân vật hoạt hình, tự động ghép các chi tiết vào ảnh, video của những ngôi sao, người nổi tiếng.
Hiện nay, trào lưu làm video ghép mặt trên ứng dụng Face Play đang thu hút nhiều lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, để tạo một video với phong cách cổ trang như mong muốn, sau khi tải về ứng dụng Face Play yêu cầu người dùng cấp quyền truy cập vào camera/kho ảnh để cung cấp dữ liệu khuôn mặt, ứng dụng sẽ đưa ra các bộ lọc video để người dùng có thể lựa chọn sau đó ghép khuôn mặt vào những nhân vật trong các đoạn video có sẵn.
Chỉ với một vài thao tác đơn giản như vậy, người dùng có thể “hóa thân” thành các nhân vật cổ trang Trung Quốc, hay hotgirl sang chảnh, thậm chí là cả những “yêu quái” trong Tây Du Ký. Do khả năng xử lý cắt ghép ấn tượng, Face Play nhanh chóng trở thành một hiện tượng, được không ít cư dân mạng hưởng ứng và chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
Đây không phải là lần đầu tiên mà ứng dụng chỉnh sửa ghép mặt vào ảnh, video có sẵn trở thành “hiện tượng”. Trước đó, vào năm 2020, ứng dụng Face App cũng “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội khi có các tính năng chỉnh sửa khuôn mặt để hoán đổi giới tính người dùng. Thậm chí, để thêm phần “chân thật”, ứng dụng này còn có sẵn các kiểu tóc, râu ria... để người dùng có thể tự cắt ghép vào hình ảnh theo thẩm mỹ của mình. Chỉ trong một thời gian ngắn, ứng dụng này đã đạt được hơn 100 triệu lượt tải xuống
Ngoài ra, một ứng dụng chỉnh sửa ảnh khác là Voilà AI Artist cũng được rất nhiều người dùng lựa chọn và trở thành “hot trend” trên mạng xã hội, không chỉ gây sốt ở Việt Nam mà còn thu hút hàng triệu lượt tải app trên thế giới. App này giúp cho người dùng có thể chỉnh sửa ảnh cá nhân “biến hóa” thành các nhân vật hoạt hình. Ứng dụng cung cấp cho người dùng 4 lựa chọn thay đổi hình ảnh theo phong cách hoạt hình 3D, 2D, phong cách phục hưng và phong cách tranh biếm họa.
Tuy nhiên, Voilà AI Artist cũng yêu cầu người dùng cho phép truy cập vào các nền tảng, ứng dụng lưu trữ hình ảnh, thậm chí cả quyền sử dụng hình ảnh người dùng cho các mục đích quảng cáo mà không cần trả phí.
Cân nhắc khi sử dụng
Mặc dù các trào lưu tạo ra khác nhau nhưng có thể thấy hầu hết các ứng dụng này đều yêu cầu người dùng cho phép tự động khởi chạy, chạy nền, cung cấp đầy đủ dữ liệu, truy cập camera để lấy hình ảnh cá nhân truyền dữ liệu cá nhân của người dùng về máy chủ hoặc đăng nhập bằng tài khoản mạng xã hội mới có thể thực hiện các bước chỉnh sửa ảnh, video.
Liên quan đến việc này, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Đình Nhân, Giám đốc đào tạo An ninh mạng Athena cho biết người sử dụng khi ghép mặt cá nhân vào nhiều nhân vật trong video có sẵn trong các ứng dụng trên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi sử dụng ứng dụng Face Play và các phần mềm tương tự, người dùng bắt buộc phải cung cấp nhiều quyền không cần thiết cho một ứng dụng. Như vậy từ việc chỉ cung cấp hình ảnh, mà bên thứ ba có thể thu thập chính xác các thông tin cá nhân của người sử dụng và mục đích sử dụng vào mục đích gì thì chưa biết.
“Nhận dạng khuôn mặt là công nghệ được sử dụng chủ yếu để xác thực mật khẩu, người dùng cần rất cẩn thận khi chia sẻ hình ảnh với bên thứ ba. Các công ty sở hữu những ứng dụng như này có khả năng tạo điều kiện hoặc bán những hình ảnh này cho đơn vị sử dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện sửa đổi nhận dạng khuôn mặt. Ngoài ra, phải tính đến việc dữ liệu có thể bị tin tặc đánh cắp và sử dụng để mạo danh” - ông Nhân cho biết.
Trả lời về việc tại sao các ứng dụng này vẫn xuất hiện trên chợ ứng dụng App Store hay CH Play, ông Nhân cho rằng, các ứng dụng độc hại có thể đã sử dụng các chiêu thức để “lọt” qua khâu kiểm duyệt. Cụ thể, trong một số trường hợp, nhà sản xuất tải lên các ứng dụng sạch từ ban đầu để được kiểm duyệt lên chợ ứng dụng. Sau đó, qua các bản cập nhật sẽ từ từ thay thế các đoạn mã nguồn để thêm vào các chức năng độc hại. Cũng có thể, các nhà sáng lập ứng dụng sử dụng chiêu thức thời gian hiển thị dài. Các nhà nghiên cứu gọi đây là “cơ chế chống Google Play”. Bởi vì các quảng cáo hay tính năng độc hại sẽ không hiển thị theo một khoảng thời gian thông thường, vì vậy chúng qua mặt được sự giám sát an ninh.
Việc cung cấp hình ảnh cá nhân cho các ứng dụng bên thứ ba cũng rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng ghép vào những hình ảnh video “khiêu dâm” trên các web “đen”. Vì vậy, ông Nhân khuyến cáo người dùng nên cân nhắc trước khi sử dụng các ứng dụng trên.