Gỡ điểm nghẽn phát triển kinh tế biên giới
Cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung; sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh thấp... là những điểm yếu trong phát triển kinh tế biên giới được nêu ra tại Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới tổ chức ngày 16/8.
Tại hội nghị, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh đầy khó khăn, các tỉnh biên giới đã chủ động, khắc phục khó khăn, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng tại khu vực biên giới vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
6 tháng đầu năm, 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn khu vực vực biên giới tiếp tục phát triển. 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Đến nay, đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới vẫn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế-xã hội các vùng biên giới còn chậm phát triển, so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung. Cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu…
Nguyên nhân được Bộ Công Thương chỉ ra là do, công tác quy hoạch đầu tư phát triển tại các tỉnh biên giới nói chung và khu vực biên giới nói riêng còn nhiều bất cập về chất lượng quy hoạch, thiếu tính dự báo. Cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng thương mại biên giới còn nhiều bất cập, chưa có nhiều ưu đãi đột phá nên khó thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Việc chưa kịp thời nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở biên giới để theo kịp với nhu cầu giao thương giữa khu vực biên giới và các nước láng giềng cũng là một nguyên nhân hạn chế phần nào phát triển kinh tế của khu vực biên giới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, những tồn tại kể trên xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan như: Thiếu vốn cho đầu tư phát triển; kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp; tâm lý e ngại đầu tư vào khu vực biên giới…
Bộ trưởng Công Thương cũng nêu nguyên nhân chủ quan, đó là chất lượng quy hoạch còn kém, thiếu tầm nhìn dài hạn; công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch hạn chế; thiếu chủ trương nhất quán, cơ chế chính sách đủ mạnh để phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng kinh tế, thương mại biên giới...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh 8 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, trong đó chú trọng đến việc, cần tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp – thương mại trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, khẩn trương tích hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đồng thời, triển khai Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nhất là phát triển công nghiệp – thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu… Thứ hai, theo Bộ trưởng Công Thương, cần nghiên cứu đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách địa phương đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội; huy động nguồn lực xã hội và khai thác quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại tại vùng biên giới...