Giúp doanh nghiệp trụ vững
Bộ Tài chính vừa kiến nghị Chính phủ giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp do chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đây là một trong những giải pháp mà các bộ, ngành đang cố gắng tham mưu cho Chính phủ để giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bão dịch, từng bước hồi phục, tiến tới phát triển.
Trước đó, cũng trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh chịu tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị quyết về các giải pháp miễn, giảm (30-50%) tiền thuế phải nộp. Tùy theo đối tượng kinh doanh, doanh thu, loại thuế... sẽ được miễn, giảm thuế ở mức khác nhau.
Song, nhìn chung tất cả các đối tượng sản xuất kinh doanh bị tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 đều sẽ được hỗ trợ miễn, giảm một số loại thuế với mức thấp nhất là 30%, cao nhất là 50%. Giải pháp này được cho là khá thiết thực để doanh nghiệp có thể tồn tại được trong bối cảnh vô cùng khó khăn khi dịch giã đang hoành hành ở nhiều địa phương.
Giờ, Bộ Tài chính lại kiến nghị giảm 30% tiền thuê đất năm nay để phần nào giảm bớt khó khăn trước mắt đối với doanh nghiệp. Theo dự kiến của Bộ Tài chính, các gói hỗ trợ doanh nghiệp trong làn sóng dịch Covid-19 lần này có thể khiến ngân sách giảm thu tới khoảng 20.000 tỷ đồng. Bù lại, các doanh nghiệp sẽ trụ vững để phục hồi, phát triển.
Doanh nghiệp vốn là “trụ đỡ” của nền kinh tế nên việc “cứu” các doanh nghiệp chính là cứu nền kinh tế. Vì thế, dù có giảm thu ngân sách, nhưng có thể giúp các doanh nghiệp “bảo toàn thực lực” để tồn tại, chờ cơ hội phát triển khi đã cơ bản khống chế, kiểm soát được đại dịch Covid-19 thì cũng là điều nên làm và phải làm.
Nếu không được Chính phủ hỗ trợ, giúp đỡ để vượt qua khó khăn trước mắt, rất có thể sẽ có không ít doanh nghiệp bị phá sản, hoặc giải thể. Số lượng và chất lượng doanh nghiệp tỷ lệ thuận với thu ngân sách. Số doanh nghiệp càng ít, càng yếu thì thu ngân sách càng ít. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp tồn tại, hoạt động tốt thì nền kinh tế càng khỏe.
Đó là còn chưa kể, khi có nhiều doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản, không những làm nền kinh tế yếu đi, mà còn khiến nhiều người mất việc, khó đảm bảo an sinh xã hội. Chẳng phải người xưa vẫn nói “nhàn cư vi bất thiện” đó sao? Khi mà có nhiều người thất nghiệp cũng dễ phát sinh thêm nhiều vấn đề bất ổn về an ninh trật tự tại các địa phương.
Đây chính là lý do dù còn rất khó khăn, eo hẹp ngân sách trong khi đang phải dồn tổng lực cho cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Chính phủ vẫn quyết tâm đưa ra những gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã... Chính phủ hiểu rõ, không nhận được hỗ trợ kịp thời, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể “tự bơi”, trong khi số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chiếm đa số.
Trên thực tế, không phải tất cả các doanh nghiệp đều trông chờ vào các gói hỗ trợ của Chính phủ, dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, quay vòng vốn. Không những không dựa dẫm vào các gói hỗ trợ của Chính phủ, một số doanh nghiệp còn góp tiền ủng hộ Chính phủ chống dịch, hỗ trợ người lao động mất việc...
Sự tương tác qua lại đó thể hiện sự đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân để giành thắng lợi mục tiêu kép: Vừa chống dịch hiệu quả nhưng vẫn phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, người dân và doanh nghiệp lại đứng bên ủng hộ Chính phủ, lo gì cuộc chiến với “giặc dịch” không thắng lợi? Niềm vui chiến thắng sẽ không còn xa, hãy tin điều đó!