Trung tâm Hồi sức tích cực ICU: Giành giật tính mạng với tử thần

Đức Trân 17/08/2021 09:00

Tính đến ngày 16/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ghi nhận 589 bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực (ICU) và 18 ca bệnh nguy kịch đang điều trị bằng tim phổi nhân tạo (ECMO).

1. Nằm tại tầng cao nhất của mô hình điều trị người mắc Covid-19 do Bộ Y tế xây dựng, các trung tâm, bệnh viện ICU đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ tính mạng của người bệnh. Với nhiệm vụ giành giật tính mạng với tử thần, công việc của các y, bác sĩ tại đây chưa bao giờ đơn giản.

Vừa tham gia công tác điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Trung tâm ICU vừa được thành lập ở Tiền Giang, vừa đảm nhận vai trò đào tạo về chuyên môn cho lực lượng y tế địa phương, BSCKII Đào Trọng Thành - Trưởng đoàn chi viện miền Nam của Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ: Chúng tôi đảm nhận nhiều vai trò tại đây do lực lượng y tế địa phương còn mỏng, đặc biệt là lực lượng bác sĩ hồi sức và điều dưỡng. Bên cạnh đó, Trung tâm ICU tại đây mới được thành lập nên còn nhiều khó khăn do sự phối hợp giữa các khâu chưa được thuần thục.

Với 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng, đoàn hỗ trợ của Bệnh viện Hữu Nghị gần như không được nghỉ ngơi với công tác bảo vệ tính mạng cho người bệnh. BS Lê Quang Phương - Khoa ICU Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ: Trong công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch có thể nói là khó khăn chồng chất khó khăn và không thể nói trước được điều gì, chúng tôi chỉ có thể nỗ lực hết sức mình để bệnh nhân nhanh khỏi bệnh.

Khi bệnh nhân đã điều trị tại ICU, đó đồng nghĩa với việc các y bác sĩ đảm nhiệm tất cả các công việc như vệ sinh cá nhân, ăn uống, liên lạc với gia đình người bệnh, tâm lý người bệnh…

Bác sĩ Phương tâm sự: Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là có thật nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, khi bệnh nhân được xuất viện cũng là lúc chúng tôi càm thấy niềm vui và sự hạnh phúc. Đồng thời, thật nhiều bệnh nhân khỏi bệnh nghĩa là sắp hết dịch và chúng tôi cũng sớm được đoàn tụ với gia đình.

2. Không khí khẩn trương, hết mình vì người bệnh cũng diễn ra tương tự tại Trung tâm ICU Covid-19 do Bệnh viện Việt Đức quản lý trên địa bàn TP HCM. Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chỉ trong một thời gian rất ngắn, 320 y bác sĩ có chuyên môn vững vàng đã được điều động và sẵn sàng túc trực tại đây để điều trị tích cực nhất cho người bệnh. “Nhân viên của chúng tôi sẵn sàng xa gia đình, lăn xả trong môi trường đặc biệt với tư duy mỗi người bệnh đều là người thân của mình, luôn sẵn sàng làm những điều tốt nhất cho bệnh nhân, không nề hà gì cả” - PGS Hệ chia sẻ.

Ông Lê V.T., bệnh nhân đang được điều trị ICU tại Trung tâm này tâm sự: “Khi nhập viện cũng là lúc bệnh tình của tôi chuyển nặng. Tôi mê man khi mới được đưa vào Trung tâm ICU này. Đến nay, tình hình sức khoẻ của tôi cũng đã có những chuyển biến khả quan hơn nhờ có sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ. Tại đây có hàng trăm bệnh nhân cũng được chăm sóc như vậy, các y bác sĩ vệ sinh thân thể, đút cơm, đút cháo cho chúng tôi hàng ngày như người thân chăm sóc vậy”.

Còn tại Trung tâm ICU do Bệnh viện Bạch Mai quản lý, các y bác sĩ tại đây luôn trong tư thế sẵn sàng đón bệnh nhân bất kể ngày đêm. BS Đỗ Ngọc Sơn - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Khi đón bệnh nhân cấp cứu, mọi lực lượng đều sẽ được huy động tối đa để ứng phó. Chúng tôi luôn sẵn sàng bất kể ngày đêm để điều trị bệnh nhân khẩn trương nhất.

Với 500 giường ICU trên tổng số 3.000 giường bệnh, Bệnh viện Bạch Mai đã điều động tới 250 y bác sĩ hàng đầu về chuyên ngành hồi sức tích cực cùng các chuyên gia từ hàng loạt cơ sở khác, cùng hàng trăm nhân việc y tế khác sẽ tiếp tục tăng cường trong thời gian tới để chiến đấu hết mình tại mặt trận này.

BS Sơn khẳng định: Đến lúc này, tinh thần chiến đấu của đội ngũ chúng tôi vẫn luôn hăng hái. Mỗi ngày chúng tôi đều có những sáng tạo để cải thiện các phương pháp chăm sóc tốt hơn nữa, giúp bệnh nhân chuyển từ nguy kịch sang nhẹ nhanh nhất có thể.

3. Công việc của các nhân viên y tế tại các trung tâm ICU trên khắp cả nước đều đang tiếp tục với nỗ lực không ngừng nghỉ. Đồng thời, tại khắp các nơi, nhiều trung tâm ICU nữa cũng đang được thành lập với tốc độ nhanh nhất, trang thiết bị đầy đủ nhất và nhân lực y tế tinh nhuệ nhất.

Ngày 16/8, Trung tâm ICU lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long chính thức đi vào hoạt động tại Bệnh viện đa khoa Cần Thơ. Đây là một trong 12 trung tâm ICU quốc gia được Bộ Y tế thành lập trên cả nước.

BSCKII Nguyễn Minh Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cần Thơ cho hay, trung tâm này có quy mô 200 giường bệnh được trang bị hệ thống oxy nén 20 tấn, được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đài như máy thở, monitor theo dõi cùng nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chuyên sâu về ICU sẽ góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong đối với các trường hợp Covid-19 tiên lượng nặng.

Đương nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, không thể thiếu những khó khăn bủa vây các y, bác sĩ. Một số trung tâm khó khăn về hệ thống oxy, nơi khác cần thêm máy thở xâm lấn chức năng cao, monitor, bơm tiêm điện… Bên cạnh đó là vấn đề nhân lực cũng như thuốc điều trị cho bệnh nhân cũng là những khó khăn không nhỏ cho công tác của các y bác sĩ. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn này đều sẽ được vượt qua với sự đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Mong các đồng chí vượt qua những niềm riêng để làm nhiệm vụ cao cả của thầy thuốc. Chúng ta cùng nhau chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn để điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của người dân”.

Đức Trân