Phát hiện nhiều di vật khảo cổ tại di tích chùa Trại Cấp
Hội Khảo cổ học Việt Nam vừa phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích chùa Trại Cấp, phát hiện nhiều di vật khảo cổ quý, mang giá trị về văn hóa, lịch sử, góp phần làm cơ sở cứ liệu khoa học chân xác phục vụ xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới.
Khai quật di tích chùa Trại Cấp với diện tích trên 400 m2. Tại 4 hố khảo cổ, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu vết của các loại hình tảng kê chân cột được trang trí họa tiết hoa sen; các mảnh vật liệu kiến trúc như gạch, ngói lót, ngói mũi sen; các mảnh gốm men, sành sứ của các thời Trần và Lê Trung Hưng; một số dấu vết bó nền và một số tháp đá, gạch. Đặc biệt, tại hố 2 đã tìm thấy 1 chân đèn gốm hoa nâu - loại gốm men đặc trưng thời Trần.
Dựa trên các dấu vết vật chất, bước đầu có thể xác định, chùa Trại Cấp được xây dựng dưới thời Trần, quy mô khá lớn và tiếp tục được trùng tu thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn.