Đồng Nai: Bóc tách F0 trong cộng đồng như thế nào?

Mạnh Thìn 17/08/2021 11:13

Tỉnh Đồng Nai tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 8. Trong khoảng thời gian “vàng” này, tỉnh sẽ triển khai xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho khoảng hơn 2 triệu người, qua đó khẩn trương bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

CDC Đồng Nai lấy mẫu cho người dân tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa.
CDC Đồng Nai lấy mẫu cho người dân tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thì đây được xem là giải pháp hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng, hướng đến mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trước ngày 1/9.

Vậy việc xét nghiệm sẽ được thực hiện như thế nào?

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, từ đây đến 31/8, Đồng Nai triển khai kế hoạch xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 trên phạm vi toàn tỉnh nhằm khẩn trương bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Trên cơ sở tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã phân loại 4 địa phương có nguy cơ dịch bệnh rất cao gồm: TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom. 3 địa phương có nguy cơ cao là huyện Long Thành, Thống Nhất, Long Khánh. 4 huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ trong trạng thái bình thường mới. Toàn tỉnh, chỉ duy nhất huyện Tân Phú có 18/18 xã, thị trấn đang ở vùng xanh.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, việc phân loại nguy cơ dịch bệnh theo diễn biến với tình hình thực tế có ý nghĩa quan trọng. Đây là cơ sở để xác định tần suất xét nghiệm và các đối tượng được xét nghiệm diện rộng.

Cụ thể, đối với khu vực được đánh giá là nguy cơ rất cao, tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ người dân 3 lần liên tiếp, trong đó 2 lần đầu thực hiện bằng phương pháp test nhanh, lần thứ 3 xét nghiệm RT-PCR; mỗi lần cách nhau từ 3 đến 5 ngày. Nếu phát hiện ca bệnh, sẽ tiến hành cách ly ngay, sau đó đưa vào cơ sở cách ly theo dõi người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc các cơ sở cách ly điều trị. Truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và tổ chức cách ly, làm sạch cộng đồng, từng bước tháo bỏ phong tỏa và giảm mức độ giãn cách xã hội.

Đối với khu vực được đánh giá nguy cơ cao, tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ các hộ gia đình, mỗi hộ gia đình thực hiện lấy mẫu test nhanh cho 3 người đại diện trong 3 lần liên tiếp; mỗi lần cách nhau 3 đến 5 ngày để sàng lọc. Nếu phát hiện ca dương tính thì cách ly, điều trị ngay; truy vết các trường hợp tiếp xúc gần để cách ly, làm sạch cộng đồng.

Đối với khu vực được đánh giá nguy cơ, tổ chức xét nghiệm sàng lọc đại diện 100% hộ gia đình, mỗi hộ gia đình thực hiện lấy mẫu test nhanh cho 1 người đại diện; sàng lọc, phát hiện và đưa ca bệnh vào cách ly, theo dõi, điều trị nếu có; truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và tổ chức cách ly, làm sạch cộng đồng, mở rộng vùng xanh.

Đối với khu vực được đánh giá bình thường mới, thực hiện xét nghiệm sàng lọc 20% hộ gia đình trong cộng đồng, ưu tiên những hộ gia đình có nguy cơ cao hơn, phát hiện sớm ca bệnh, bảo vệ vùng xanh.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất của tỉnh Đồng Nai chính là nguồn nhân lực y tế. Để hoàn thành việc lấy mẫu trên diện rộng như vậy đòi hỏi phải có một đội ngũ y tế đông đảo, có chuyên môn. Đây sẽ là một thách thức không hề nhỏ trong thời gian khoảng 2 tuần.

Song song với việc xét nghiệm diện rộng trong toàn dân, tỉnh Đồng Nai cũng cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19; nâng cao công suất xét nghiệm, mở rộng các khu cách ly, theo dõi bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng. Ngoài ra khẩn trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng các bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng ở một số bệnh viện để điều trị bệnh nhân Covid-19. Vì theo dự kiến, sau xét nghiệm sàng lọc, sẽ có hàng ngàn F0 được bóc tách ra khỏi cộng đồng cùng với các F1, F2…

Cũng trong sáng 17/8, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, địa phương vừa ghi nhận thêm 291 ca dương tính mới với Covid-19, gồm 10 ca qua xét nghiệm sàng lọc, 281 ca trong khu cách ly, khu phong tỏa; nâng tổng số ca dương tính toàn tỉnh từ đợt dịch thứ 4 lên hơn 14.500 trường hợp.

Mạnh Thìn