Giãn cách, mua sách khó khăn

Minh Quang 17/08/2021 12:53

TP Hà Nội đã có kế hoạch khai giảng trên toàn thành phố vào ngày 5/9 tới đây. Như mọi năm, ở thời điểm cận kề năm học mới nhiều gia đình đã lo mua sắm SGK, đồ dùng học tập cho học sinh…Nhưng do thực hiện giãn cách để phòng chống Covid-19, hiện không riêng gì Hà Nội, TP HCM, việc mua sắm SGK và dụng cụ học tập cho học sinh ở nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách đều rất khó khăn.

Gian nan mua sách

Hơn 40 tỉnh thành đã có kế hoạch tựu trường chi tiết, kế hoạch dự phòng cho năm học mới khi Covid-19 diễn biến bất thường. Hà Nội cũng đã chính thức công bố khung kế hoạch thời gian năm học 2021- 2022 từ chiều qua (16/8). Theo đó, ngày tựu trường sớm nhất đối với tất cả các cấp học, ngành học từ ngày 1/9. Toàn thành phố tổ chức khai giảng thống nhất vào ngày 5/9 (chủ nhật). Hiện UBND TP Hà Nội cũng chưa quyết định hình thức học tập trong năm học mới, nhưng nhiều khả năng là online do thành phố vẫn đang giãn cách xã hội đến 6h ngày 23/8.

Mua sách là nhu cầu thiết yếu trước thềm năm học mới. (Ảnh: Phạm Quang Vinh)

Ở thời điểm này, tất cả các nhà sách trên địa bàn Thủ đô đều đóng cửa. Dù NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, nhằm phục vụ năm học mới 2021-2022, đơn vị đã phát hành gần 110 triệu bản SGK tới các địa phương. Dẫu thế việc tiếp cận SGK vẫn rất khó. Ghi nhận tại Hà Nội cho thấy, có 2 hình thức mua SGK năm học mới, hoặc là phụ huynh tự mua, hoặc mua qua “kênh” nhà trường. Nhiều trường đã nhận SGK về tới trường, rồi phối hợp với Hội phụ huynh các lớp phân phát SGK đến từng gia đình học sinh.

Chị Hải Yến- đại diện hội phụ huynh lớp 5 trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai) cho hay, trong suốt cả tuần qua, chị và các cha mẹ trong Ban phụ huynh bận rộn đảm nhiệm việc phân phát SGK tới tận tay các cháu. Cùng với đó, đại diện Ban phụ huynh cũng đứng ra liên hệ với các nhà sách, đại lý phân phối tư nhân mua đồ dùng học tập cho gần 60 học sinh của lớp.

Khó khăn trong việc mua SGK, nhiều gia đình đã phải đặt mua sách online, mượn tạm sách của các học sinh khóa trước. Nhưng sách cũ lại không phù hợp với lớp 2 và lớp 6 mới. Vì thế nỗi lo thiếu sách, không có sách học, không có đồ dùng học tập cũng đang là băn khoăn lớn nhất lúc này của nhiều học sinh và phụ huynh.

Ngay cả với việc mua sách online, các giáo viên cũng đưa lời khuyên với phụ huynh là nên tìm hiểu và đặt mua sách từ các kênh trực tuyến chính thức của các nhà xuất bản uy tín, để chất lượng sách được đảm bảo và mức phí vận chuyển không bị tăng quá cao. NXB Giáo dục Việt Nam cũng khuyến cáo phụ huynh và học sinh không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải sách giả.

Giải pháp là tiếp cận sách số hóa

Nhiều phụ huynh cùng có chung chia sẻ, chưa năm học nào như năm nay. Tới giờ các con vẫn chưa nhận thầy cô, nhận lớp mới, chưa được bước chân đến trường mới, chưa mua đồng phục, sách giáo khoa. Thêm nữa, lại không có nơi nào để mua sách, vở, đồ dùng học tập. Nên nếu trường có dạy học trực tuyến thì cũng khó khăn.

Nếu khó mua sách in, học sinh có thể tiếp cận sách online. (Ảnh: Phạm Quang Vinh)

Nhằm giúp học sinh và phụ huynh tiếp cận được với SGK càng sớm càng tốt, NXB Giáo dục Việt Nam đã xây dựng trang "Hành trang số" tại địa chỉ https://hanhtrangso.nxbgd.vn, số hóa toàn bộ SGK và sách bài tập. Phụ huynh, học sinh có thể truy cập và sử dụng miễn phí nếu chưa thể mua được SGK bản giấy do địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

NXB Giáo Dục Việt Nam chia sẻ với các phụ huynh, do nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 nên việc chuyển sách đến tận tay học sinh gặp khó khăn. Các cơ sở in ấn SGK của NXB Giáo Dục Việt Nam có nơi in xong nhưng không nhập kho được, có nơi nhập kho rồi nhưng không thể vận chuyển đến các cơ sở đã đặt mua. Tại một số địa phương trong đó có TP.HCM, có trường đã nhận được sách nhưng không thể chuyển cho học sinh theo đăng ký của phụ huynh đặt mua sách theo trường. Trước đây, phụ huynh có thể đặt mua SGK tại hệ thống bán lẻ của NXB Giáo Dục Việt Nam (trực tiếp) hoặc mua trên các trang bán hàng trực tuyến nhưng hiện tại cũng đang ách tắc do khâu vận chuyển, giao hàng.

Theo đại diện NXB Giáo dục Việt Nam, xác định SGK là mặt hàng cấp thiết, NXB đã có văn bản cho UBND các tỉnh thành để xin tạo điều kiện vận chuyển, cung ứng SGK kịp thời đến các nhà trường, học sinh và giáo viên trước khai giảng năm học mới. Khi UBND các địa phương có phương án hỗ trợ, phía NXB cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị vận chuyển, cung ứng SGK gấp rút thực hiện đưa sách đến tay các nhà trường, giáo viên, học sinh.

Vậy có thể dùng bản sách PDF để dạy học online được không? ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GDĐT cho biết bên cạnh việc đôn đốc các NXB phối hợp với địa phương để kịp cung ứng SGK giấy, Bộ cũng yêu cầu các NXB phải số hóa SGK theo dạng PDF để gửi đến các nhà trường từ thời điểm lựa chọn SGK và sau khi chọn SGK sử dụng để nghiên cứu, tập huấn cho giáo viên, thảo luận trong sinh hoạt chuyên môn chuẩn bị cho năm học mới. Theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, các NXB cũng phải công bố đường link SGK số hóa từ lớp 1 đến lớp 12 trên website của NXB để hỗ trợ giáo viên, học sinh trong giai đoạn học online. Ai chưa mua được SGK giấy có thể sử dụng SGK số hóa.

Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho hay, sách số hóa dành cho học sinh sử dụng miễn phí. Nhưng để có thể sử dụng thêm các tiện ích đi kèm trên SGK số hóa, học sinh khi mua SGK giấy sẽ nhận được mã ở cuối trang sách để nhập mã, truy cập vào sử dụng. Còn khi chưa có sách giấy, học sinh và các bậc phụ huynh vẫn có thể sử dụng nội dung SGK được số hóa như nội dung sách giấy.

Đề xuất đưa SGK vào nhóm hàng hoá thiết yếu

SGK chậm đến tay học sinh trong năm học mới là do các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, sách gặp khó trong việc vận chuyển. Hiện SGK chưa nằm trong danh mục các mặt hàng thiết yếu để ưu tiên. Nhiều ý kiến phụ huynh đề xuất, để đảm bảo tất cả học sinh có SGK trước khi bắt đầu năm học mới, rất cần đưa SGK vào nhóm hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông.

Phụ huynh và học sinh vùng không giãn cách mua SGK cho năm học mới. (Ảnh minh họa)

Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho hay, hiện Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải thành phố, đề nghị tạo điều kiện để các xe vận chuyển SGK được chở sách về các trường học, để sách đến tay học sinh trước thềm năm học mới.

Trong ngày 16/8 Cục Xuất bản in và Phát hành (Bộ TT&TT) đã có văn bản gửi Sở TT&TT Hà Nội, Sở TT&TT TP.HCM về việc đưa sách vào diện mặt hàng thiết yếu. Cụ thể, theo Cục Xuất bản in và Phát hành, năm học mới 2021-2022 đang đến gần, việc chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, trong đó có sách giáo khoa là cấp bách. Bên cạnh đó, trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, các loại sách, tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe (thể chất và tinh thần) trở thành nhu cầu cấp thiết, góp phần cùng cả nước chung tay chiến thắng dịch bệnh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu SGK và sách chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn 2 thành phố, hỗ trợ các đơn vị xuất bản, phát hành vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, Cục Xuất bản in và Phát hành đề nghị Sở TT&TT Hà Nội, Sở TT&TT TP.HCM xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền đưa SGK và sách hướng dẫn chăm sóc sức khỏe vào nhóm hàng hóa thiết yếu theo thẩm quyền của địa phương trên cơ sở thực hiện Công văn số 4481/BCT-TTTN ngày 27/7/2021 của Bộ Công thương về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, diễn biến từng khu vực, tiếp tục xem xét, kiến nghị cho phép vận chuyển, phát hành các loại sách khác trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Minh Quang