Một đại gia đình nấu 400 suất cơm/ngày hỗ trợ người dân cách ly
Hơn nửa tháng nay, đại gia đình bà Đỗ Thị Yêu (thôn Thành Công, xã Hòa Hiệp) cùng con cháu triển khai “Bếp cơm 0 đồng”, nấu tặng 400 suất cơm/ngày cho người dân khu cách ly tập trung của huyện Cư Kuin và các xã trong huyện.
Bếp ăn được khởi động từ ngày 1/8, ban đầu cung cấp 100 suất cơm/ngày cho xã Hòa Hiệp. Đến nay, mỗi ngày bếp ăn chuẩn bị gần 400 suất cơm dành tặng người dân khu cách ly tập trung của huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) và các xã Hòa Hiệp, Dray Bhăng, Ea Bhốk.
Mỗi ngày, gia đình bà dậy từ lúc 4 giờ sáng chuẩn bị thực phẩm. Hằng ngày 11 giờ trưa và 17 giờ chiều, các thành viên chia nhau giao suất cơm đến từng xã. Vào chủ nhật hằng tuần, đại gia đình bà Yêu nấu thêm các suất ăn sáng (bánh mì bò kho, xôi) hỗ trợ thêm cho người dân khu cách ly. Kinh phí cho bếp ăn gần 10 triệu đồng/ngày, đều do con cháu trong gia đình bà Yêu đóng góp thực hiện.
Không chỉ thực hiện “Bếp cơm 0 đồng”, hơn một tháng qua, đại gia đình bà Yêu đã tặng hơn 15 tấn gạo, 10 tấn rau củ, hàng trăm thùng mì tôm và nhiều nhu yếu phẩm cho người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 trong và ngoài tỉnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 trên địa bàn huyện Cư Kuin, nhiều bếp ăn tình nguyện đã “đỏ lửa”, dành tặng hàng trăm suất ăn miễn phí mỗi ngày cho cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch và người dân ở các khu cách ly.
Riêng Đoàn xã Dray Bhăng hỗ trợ bữa ăn sáng cho người dân và lực lượng chiến sĩ túc trực tại khu cách ly tập trung Trường THCS Dray Bhăng. Đoàn xã cung cấp 40 suất ăn sáng/ngày, gồm: bánh mì, xôi, cháo, bánh cuốn… Hoạt động này sẽ được duy trì cho đến khi khu cách ly hoàn thành nhiệm vụ.
Tấm vé nghĩa tình mua hàng ở “siêu thị mini 0 đồng”
Siêu thị mini 0 đồng đặt tại sân trụ sở tỉnh đoàn Đắk Lắk. Ở đây không mua bán bằng tiền. Người dân chỉ cần cầm tấm vé nghĩa tình với mệnh giá 300.000 đồng đến, tự tay lựa chọn những sản phẩm thiết yếu cho gia đình.
Mặt hàng tại siêu thị mini 0 đồng khá phong phú tới 40 sản phẩm thiết yếu như: gạo, sữa, trứng, dầu ăn,, nước mắm… Bên cạnh đó còn có các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Mỗi sản phẩm đều có giá niêm yết rõ ràng. Mỗi người dân sẽ luân phiên đi mua hàng vào các khung giờ khác nhau trong nhiều ngày để đảm bảo không tụ tập quá nhiều người tại một địa điểm. Các nhu yếu phẩm được sắp xếp theo từng khu để bà con dễ dàng lựa chọn.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc (63 tuổi, trú P.Tân Tiến, TP.Buôn Ma Thuột), làm bảo vệ cho quán cà phê nhưng hơn một tháng nay lâm cảnh thất nghiệp vì quán đóng cửa. “Tôi rất phấn khởi đến đây để được mua sắm. Tôi thấy một điều thú vị là siêu thị nhỏ thôi, nhưng rất trang trọng, rất chu đáo, hàng hóa phong phú”. Theo ông, giúp đỡ có nhiều cách, nhưng trường hợp này người giúp đỡ được tự lựa chọn, được tôn trọng, chứ không phải tiếp nhận một cách thụ động.
Theo anh Trần Doãn Tới, Phó Bí thư tỉnh đoàn Đắk Lắk, vào thời điểm nhiều người lao động khó khăn bởi ảnh hưởng dịch như hiện nay, mô hình này là một giải pháp thiết thực để giúp đỡ họ giảm đi phần nào lo toan trong cuộc sống hàng ngày.
500 suất quà hướng đến tất cả đối tượng khó khăn trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Đại diện từng hộ sẽ đến siêu thị vào những ngày giờ được quy định khác nhau để đảm bảo không quá đông người trong cùng một thời điểm. Tại đây các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ tối đa. Những hộ khó khăn không có khả năng đến đã có đội hình “shipper xanh” mang nhu yếu phẩm đến từng hộ gia đình. Siêu thị nhận được sự chung sức, đồng lòng từ tất cả mọi tổ chức, cá nhân.
Chương trình do Tỉnh đoàn Đắk Lắk, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp cùng các đơn vị tài trợ tổ chức.