Nghĩa tình quân dân trong đại dịch
Nhường doanh trại để thành lập khu cách ly, bệnh viện dã chiến, tổ chức chăm sóc, phục vụ tận tình, chu đáo, an toàn; tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin; tham gia chốt chặn, phong tỏa, điều tiết, phân luồng đưa người lao động, học sinh, sinh viên về quê theo nguyện vọng; giúp nhân dân thu hoạch mùa màng,… đó những việc làm cao đẹp của người lính trong công tác "chống dịch như chống giặc".
Trước tình hình đại dịch Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và các tỉnh phía Nam diễn biến rất phức tạp, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Với tinh thần chống dịch như chống giặc”, vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, những người lính lại xung phong ra trận chống “giặc dịch”, chia sẻ khó khăn với nhân dân.
Tại TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, lực lượng bộ đội trực thuộc Quân Khu 7 đã ra quân. Những ngày qua trên các đường phố ở TPHCM, hình ảnh màu áo xanh của các cán bộ, chiến sĩ bộ đội giúp dân và đảm nhiệm những phần việc khó khăn và thiêng liêng luôn xuất hiện. Tại nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa, những hũ tro cốt được bàn tay người lính ôm ấp đón nhận, chuyền tay đưa lên xe quân đội, toàn bộ những hũ tro cốt đã được đặt nhẹ nhàng lên xe, mặc dù những giọt mồ hôi đã thấm ướt hết bộ quần áo bảo hộ phòng, chống dịch nhưng họ vẫn lặng lẽ làm việc chia sẻ sự mất mát đau thương của đồng bào.
Các anh làm việc không chỉ bằng mệnh lệnh mà bằng cả trái tim người lính đối với những người đã tử vong do dịch bệnh và đồng bào của mình. Sau đó, những hũ tro cốt được chuyển về tận nhà và trao cho người thân một cách trang nghiêm cũng làm người nhà đón hương linh người thân qua đời vì dịch Covid-19 trở về vơi đi nổi đau mất mát.
Những người lính cũng tham gia “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trao tận tay các túi hàng thiết yếu cho người dân nghèo, người lao động mất việc làm. Ngày 8/8, Bộ Tư lệnh TPHCM tổ chức Lễ xuất quân trao tặng 100.000 phần quà giúp nhân dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết, với tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau”, những phần quà được chuyển đến bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn nhanh nhất, sớm nhất. Đó là sự quan tâm, chia sẻ, động viên để bà con tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, yên tâm, tin tưởng, đồng thuận và thực hiện tốt những chủ trương, quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và TPHCM.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sáng 16/8, đoàn công tác của Cục Chính trị Quân khu 7 đã trao tặng 500 phần quà, 500 thẻ hỗ trợ cho các hộ gia đình khó khăn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đại tá Nguyễn Công Anh, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân Khu 7 cho biết, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã huy động gần 90 ngàn lượt cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ có mặt ở tất cả các bệnh viện dã chiến, tâm dịch, khu cách ly, chốt phong tỏa chống dịch cũng như ngăn ngừa dịch bệnh tại các đường mòn, lối mở từ rất sớm.
Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cũng triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình hỗ trợ người dân, mang nặng nghĩa tình, ấm áp như “Thăm, tặng quà các lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch”, “Gian hàng không đồng”, “Gian hàng lưu động không đồng”, “Phiên chợ không đồng”, “Cây ATM gạo”, “Cây ATM khẩu trang”, “Hũ gạo tình thương”, “Bữa cơm nghĩa tình”, “Tủ cơm, cháo miễn phí”, tặng sản phẩm tăng gia sản xuất… kịp thời hỗ trợ các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và nhân dân vượt qua khó khăn.
Phát huy truyền thống 77 năm qua của quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, trong bất luận hoàn cảnh nào, ở đâu khó khăn, ở đó có bộ đội, với tinh thần “giúp dân là chức năng, là nhiệm vụ chính trị, là mệnh lệnh trái tim của người chiến sĩ”, các cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, nhiều tháng không về nhà, sẵn sàng chiến đấu, kiểm soát dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho nhân dân.
Phát huy truyền thống của dân tộc ta trong các cuộc đấu tranh vệ quốc oanh liệt, hào hùng, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng một ý chí, đoàn kết một lòng coi chống dịch như "chống giặc”. Đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 không quản nghại khó khăn gian khổ, đã có nhiều người hy sinh khi làm nhiệm vụ chống dịch, làm lay động hàng triệu trái tim. Những việc làm, những hình ảnh đẹp lại bồi đắp thêm truyền thống vẻ vang của anh bộ đội Cụ Hồ đã để lại trong lòng nhân dân.