Gỡ điểm nghẽn, khơi dòng chảy
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1079/CĐ-TTg về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đây là động thái quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ nhằm loại bỏ những vướng mắc, khó khăn do các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế thuộc các lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, xảy ra trên diện rộng, nhiều nơi tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch và dự kiến dịch còn kéo dài. Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công thương; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Giao thông Vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Nội vụ.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, cần tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, thuế, phí, xây dựng...; hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung trong Đề nghị xây dựng luật sửa đổi các luật trước ngày 22/8/2021, Bộ Tư pháp trình Chính phủ trước ngày 30/8/2021 để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ hai cho ý kiến về dự án Luật này.
Đó là những mốc thời gian được hạn định rất rõ ràng, buộc các bộ trưởng phải tăng tốc để hoàn thành nhiệm vụ.
Việc văn bản pháp luật chồng chéo, lỗi thời, gây cản trở sản xuất kinh doanh, làm khó cho người dân và doanh nghiệp từng gây bức xúc kéo dài. Chủ trương cắt bỏ những thủ tục hành chính rườm rà đã có, nhưng tiến hành khá chậm chạp, điều đó khiến cho những quy định không theo kịp thực tiễn. Trong một số trường hợp, còn có những nơi không muốn cắt giảm thủ tục, vẫn thích lối làm việc cũ, dẫn tới chuyện xin - cho, nhũng nhiễu, tiêu cực. Về việc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, không được hành xử theo kiểu “cua cậy càng, cá cậy vây”, “quyền anh, quyền tôi”, dẫn tới lợi ích cục bộ và cũng tạo ra lỗ hổng để cá nhân trục lợi.
Hiện dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi đó, chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Tình hình mới phải có cách ứng phó mới, linh hoạt và quyết liệt. Chính vì thế chỉ đạo của Thủ tướng thông qua Công điện 1079 là rất kịp thời và rất cần thiết. Việc rà soát, nghiên cứu để giảm bớt các thủ tục, thống nhất các quy định cũng chính là thống nhất hành động, là tháo gỡ những điểm nghẽn để khơi thông dòng chảy cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Không thể thúc thủ trước những khó khăn của dịch bệnh, vẫn phải đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực để củng cố nội lực của nền kinh tế. Chỉ có như thế chúng ta mới đủ sức chống chịu trước những tác động xấu của dịch Covid-19. Mà muốn tăng cường các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh thì thủ tục phải thông thoáng, thống nhất, giảm đầu mối. Một nền kinh tế linh hoạt, chủ động trong khó khăn chỉ có thể vận hành tốt khi các quy định pháp luật phải rõ ràng, không chồng chéo. Phải tạo ra được hành lang pháp lý mới phù hợp với tình hình mới và mang tính đón đầu không chỉ trước mắt mà là lâu dài.
Với chỉ đạo của Thủ tướng, thực tiễn cuộc sống không cho phép chậm trễ, chần chừ. Công điện số 1079 của Thủ tướng Chính phủ cũng chính là việc khơi thông dòng chảy, loại bỏ những những cản trở về quy định, thủ tục, tiếp tục công phá vào “rừng thủ tục” để nền kinh tế đất nước phát triển bền vững, mạnh mẽ.