Xếp hạng đại học và chất lượng giáo dục
Tổ chức Shanghai Ranking Consultancy vừa công bố bảng Xếp hạng học thuật của các trường đại học (ĐH) thế giới (ARWU) năm 2021. Việt Nam có 2 đại diện trong bảng xếp hạng này là ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân (cùng ở top 601 - 700).
Thương hiệu của các trường ĐH Việt Nam được nhắc tên trong ARWU lần đầu tiên vào năm 2019 (Tôn Đức Thắng, top 901-1000), 2020 (Tôn Đức Thắng, top 701-800), và nay 2021 (Duy Tân top 601-700, Tôn Đức Thắng top 601-700). ARWU được ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) bắt đầu thực hiện từ 2003. Đến 2009 thì để tổ chức Shanghai Ranking Consultancy làm tiếp, đây là tổ chức độc lập về pháp lý không thuộc một trường ĐH hoặc một tổ chức chính phủ nào.
Trước đó, trong tháng 6, có 4 cơ sở giáo dục ĐH của Việt lọt bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds - Anh). Hai cơ sở giáo dục ĐH có mặt 4 năm liên tiếp trong bảng xếp hạng này là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM. Năm nay có thêm 2 cơ sở giáo dục mới lần đầu tiên tham gia xếp hạng là ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Bách khoa Hà Nội. Theo kết quả xếp hạng, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM cùng nhóm trong bảng xếp hạng 801 - 900. Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội lần thứ 4 liên tiếp đứng trong nhóm này. Ở lần xếp hạng năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội vươn lên đứng trong nhóm 61,6% các trường ĐH hàng đầu thế giới.
Xếp hạng ĐH để thấy được giáo dục ĐH Việt đang ở đâu trên bản đồ thế giới, đó là một tín hiệu vui. Dẫu thế, qua kết quả các bảng xếp hạng cũng cho thấy, chúng ta hiện ở vị trí rất khiêm tốn, nhiều mục tiêu về thứ hạng chưa đạt được. Đồng thời, nhìn các bảng xếp hạng vừa qua cũng thấy, vẫn chỉ là những cái tên rất quen thuộc như ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội… Thỉnh thoảng, ở bảng xếp hạng các nhóm ngành học mới xuất hiện một vài cái tên mới như ĐH Y Hà Nội, ĐH Cần Thơ. Điều này cho thấy, trong bản đồ xếp hạng, giáo dục ĐH Việt Nam vẫn còn là một dấu chấm rất nhỏ và ở rất xa so với các nước khác trên thế giới, thậm chí khu vực châu Á.
Năm 2007, tại quyết định phê duyệt mạng lưới trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2010, Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có một trường ĐH được xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới. Đến nay, trong các bảng xếp hạng, vị trí của các trường vẫn chỉ loanh quanh ở top 601-1.000+. Như vậy, giáo dục ĐH Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.
Việc có tên trong bảng xếp hạng quốc tế ở góc độ nào đó có thể là rất tốt. Song các chuyên gia lo ngại, nếu các cơ sở giáo dục ĐH chỉ đặt mục tiêu tham gia xếp hạng quốc tế bằng mọi giá mà không chú trọng tới chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học thì tất yếu chệch hướng phát triển… Điều này giống như luyện học sinh kiểu “gà nòi”, chuyên để thi thố mà thiếu đi sự hoàn chỉnh ở mọi mặt kỹ năng.
Theo PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ Việt Nam), xu hướng hiện tại của các cơ giáo dục ĐH ở Việt Nam là nỗ lực đầu tư để vào được bảng xếp hạng các trường ĐH trên thế giới. Điều này có thể khá đúng đối với những trường ĐH định hướng nghiên cứu, còn với các trường ĐH định hướng ứng dụng lại không hẳn cần thiết. Rất có thể, khi cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về mục đích và bản chất của các bảng xếp hạng, việc trường ĐH được xếp hạng cao chưa chắc đã thu hút được người học.
Nhìn chung các bảng xếp hạng vẫn thường đem lại cho nhà chức trách, giới khoa bảng và công chúng một cảm giác… vô hình về chất lượng. Trong khi giá trị thật của các bảng xếp hạng mới là quan trọng. Rõ ràng, cần hiểu đúng rằng giá trị cao nhất của việc tham gia các bảng xếp hạng không phải chỉ để làm thương hiệu, mà còn vì những mục tiêu cốt lõi khác, đó là điều chỉnh, chuẩn hóa các chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, chất lượng giảng viên, quy trình quản lý, chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chất lượng và hiệu quả đào tạo…