Nhọc nhằn tìm kịch bản sân khấu
Kịch bản chính là khâu đầu tiên, có giá trị nền móng cho một vở diễn. Tuy nhiên, bấy lâu nay, đây cũng là khâu bị đánh giá yếu, kém, thiếu tính thuyết phục, thiếu đi hơi thở của đời sống đương đại.
Đời sống sân khấu vẫn èo uột hoạt động, nhưng hầu như đều là những kịch bản cũ của những tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước, hoặc chuyển thể từ tác phẩm văn học mà thiếu vắng những kịch bản mới, phản ánh tâm tư con người và hiện thực đương đại. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái từng bày tỏ, đó là căn bệnh trầm kha của sân khấu Việt. Sự thiếu vắng kịch bản hay là vấn nạn từ thế kỷ XX kéo dài đến tận hai thập niên của thế kỷ XXI rồi. Cực kỳ thiếu vắng.
“Muốn đổi mới, muốn xây dựng hình tượng giời đất gì thì cũng phải bắt đầu từ khâu kịch bản nhưng kịch bản lại là khâu đang bị căn bệnh trầm kha nặng nề, ngày càng khủng khiếp. Nó là căn bệnh vì, bản chất của sân khấu là đối thoại với đương thời, nhưng sân khấu của ta đang bị ngắt mạch với thời đại” - bà Thái nói.
Để tìm kiếm kịch bản, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thường tổ chức các trại sáng tác, mời những tác giả có những đề cương kịch bản tốt, có ý tưởng mới lạ tập trung ở những nơi phong cảnh hữu tình, dành hết tâm huyết để viết. Những trại đó cũng có sự trao đổi, góp ý lẫn nhau nhằm giúp cho tác phẩm ngày một hoàn thiện. Không phủ nhận rằng, ở những trại viết đó, đã có những tác phẩm được các đơn vị quan tâm, dựng diễn… Tuy nhiên, vẫn chưa có những kịch bản vượt trội.
Trại viết gần đây nhất được tổ chức từ ngày 11 đến 23/4/2021. Với 17 tác giả tham dự ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam với các loại hình: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói. Theo đánh giá của lãnh đạo Hội, đây là trại sáng tác có đầy đủ các đề tài: Lịch sử, dân gian, cận đại và đương đại… Tuy nhiên, khi đọc kỹ những nội dung tóm tắt của các kịch bản, người ta vẫn thấy các tác giả thiếu đi sự cập nhật những vấn đề nóng hổi của cuộc sống đương thời.
Tác giả Hà Đình Cẩn chia sẻ, sân khấu hay vì là đối thoại trực tiếp của tác giả, với khán giả về những vấn đề xã hội, vấn đề con người một cách mạnh mẽ. Hiện nay những vở kịch về đương đại còn chưa nhiều, các tác giả vẫn còn mải mê với việc miêu tả lịch sử, hoặc chạy theo những mô típ dã sử mà còn chưa chú trọng tới những tác phẩm về thế hệ đồng hành của chính mình. Phải viết làm sao để khán giả thấy được bóng dáng của mình trong đó, được đối thoại với chính mình thực sự, đó mới là trách nhiệm của người cầm bút hôm nay. Những câu chuyện đang nóng hổi từng ngày, phải biến chúng thành kịch bản sân khấu, đưa lên sàn diễn để công chúng hôm nay tìm hiểu, nghiền ngẫm. Sân khấu hôm nay vẫn còn quá nhiều kịch bản về đề tài lịch sử, dã sử, thiếu đề tài đương đại. “Các nhà viết kịch Việt Nam viết về các cô công chúa, bà hoàng cách đây mấy trăm năm chứ viết về mẹ mình thì không viết được. Sân khấu hôm nay không đưa lên được vấn đề của ngày hôm nay, những việc gay gắt của đời sống đương thời. Ngày hôm nay nó dồn chứa, tích lũy rất nhiều sự kiện, rất nhiều con người và cũng rất nhiều kịch tính, nhưng thiếu vắng người viết về nó”.
Sân khấu hiện chưa có nhiều những tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc hoạ tính cách tiêu biểu của con người hôm nay của thời hội nhập, mở cửa. Các tác giả đang lúng túng khi chưa định hướng được nên theo đề tài nào.
NSND Lê Huy Quang chia sẻ, trong xã hội hiện nay, không có những vấn đề, những thời điểm bứt phá như khi mới đổi mới để mà cả xã hội đón nhận như thời của Lưu Quang Vũ nữa. Bởi khi đó, những vở kịch được công diễn của Lưu Quang Vũ, những vở như “Nhân danh công lý”… vì khi đó, khán giả nghe như nuốt từng lời thoại. Không phải là nó quá hay, mà vì nó đáp ứng được, nói được tiếng lòng của khán giả lúc đó. Bây giờ thì nó đang chững lại cả. Để bứt phá, phản ánh những vấn đề nóng của xã hội hiện nay rất khó. Tham nhũng cũng cũ rồi, chơi bời móc ngoặc rồi motip ông phó giám đốc tích cực, đấu tranh với những lề thói cũ của ông giám đốc cũng qua rồi…
Nhưng khó, không thể lại bỏ qua không bước tiếp. Các tác giả vẫn phải đắm mình trong không khí sống của hiện thực để phản ánh, để từ đó có được những tác phẩm chưng cất từ hiện thực. Vậy mà hiện nay, vấn đề lớn nhất của xã hội, của nhân loại là cuộc đấu tranh với dịch bệnh Covid-19 suốt gần hai năm nay không hề thấy bóng dáng ở các sáng tác mới nhất ở trại sáng tác. Ngẫm lại, mới chỉ có Sân khấu Lệ Ngọc đi tiên phong với vở diễn khá rung động, đem lại niềm tự hào lớn khi Việt Nam đã nhiều lần khống chế được dịch bệnh qua vở “Cuộc chiến Covid” vào cuối năm 2020. Trong khi dịch bệnh đang là hiện thực lớn nhất, chiếm nhiều suy tư nhất của tất cả công dân Việt Nam và toàn thế giới thì sân khấu lại… ngoảnh mặt, vậy sao có thể đòi hỏi khán giả yêu thích, đối thoại cùng?
Thời sự, qua đó nói lên được vấn đề có tính nhân loại, có tính nhân văn, cao hơn là nâng tầm triết lý… đó mới là sự hấp dẫn lớn nhất của sàn diễn với công chúng. Không có điều đó, sân khấu mãi chạy theo thị hiếu người xem mà chẳng thể nắm bắt được họ. Đừng trách khán giả quay lưng, hãy thử tìm lại yếu tố còn thiếu ở các tác phẩm sân khấu, mà khởi nguồn là thiếu vắng những kịch bản mang tính thời đại.