Cần đưa sách vào danh mục hàng thiết yếu
Nhiều tỉnh thành đã có lịch khai giảng năm học mới. Nhưng hiện nay, khi sách chưa được coi là mặt hàng thiết yếu thì phụ huynh học sinh ở những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội khó mà mua được sách giáo khoa cho con.
Nhiều đơn vị phát hành sách ngừng hoạt động
Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã tác động đến nhiều mặt của đời sống. Không ít đơn vị phát hành sách phải tạm ngưng hoạt động, số lượng đầu sách cũng như số lượng bán giảm.
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành cho biết, trong suốt gần hai năm qua, dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh lên nhiều ngành nghề và ngành xuất bản cũng là chịu tác động khá nặng nề. Trên thực tế là 6 tháng đầu năm 2021, ngành xuất bản vẫn có sự tăng trưởng khoảng 3% so với năm 2020. Tuy nhiên, tính đến nay tốc độ tăng trưởng của ngành giảm sâu, đặc biệt ở hai thị trường lớn là Hà Nội và TP HCM. Đối với TP HCM hiện nay hoạt động phát hành sách đã ngưng trệ hoàn toàn và rất khó khăn trong việc cung cấp sách đến cho bạn đọc do nhóm sách không nằm trong các loại hàng hóa được coi là mặt hàn thiết yếu. Cuối tháng 7, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện thì sách chưa được đưa vào trong các gói có thể cung cấp nhanh chóng và kịp thời cho bạn đọc. Từ đó đã tạo nên khó khăn rất lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, nhiều hiệu sách, chuỗi cửa hàng sách ở những địa phương thực hiện giãn cách đều đóng cửa. Thư viện ở các địa phương này cũng tạm dừng phục vụ bạn đọc. Đối với ngành xuất bản, trong 6 tháng đầu năm, nhiều đơn vị lớn không chỉ tụt giảm doanh thu mà còn có thể dẫn đến đóng cửa.
Ví dụ như Công ty Fahasa đóng cửa 80 trên 117 nhà sách, doanh thu tháng 6/2021 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu tháng 7/2021 chỉ đạt 30% so với cùng kỳ năm 2020 và tháng 8/2021 còn có thể giảm sâu hơn nữa. Doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty Alpha Books chỉ đạt 84% so với cùng kỳ năm 2020. Sau đó, vào giữa tháng 7, công ty bị phong tỏa, đóng cửa do có ca nhiễm Covid-19 khiến doanh thu sụt giảm nhiều…
Đưa sách vào nhóm hàng thiết yếu
Mới đây, trong buổi làm việc cùng các đơn vị xuất bản, phát hành nhiều đơn vị đã kiến nghị đưa sách vào nhóm hàng hóa thiết yếu. Với những kiến nghị của các đơn vị, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng các đơn vị chức năng của hội làm văn bản gửi các cơ quan liên quan. Trước tiên xem xét đề xuất sách giáo khoa cũng như sách hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người dân là hai loại sách thiết yếu đối với hai thành phố đang thực hiện nghiêm giãn cách là Hà Nội và TP HCM.
Vẫn theo ông Nguyên: “Thời gian tới, Cục và hội cũng sẽ tiếp tục tham mưu xin ý kiến các bộ ngành cơ quan để tiến tới đưa sách vào nhóm hàng hóa thiết yếu để góp phần vào việc phât triển văn hóa đọc thời kỳ này. Đồng thời tạo điều kiện để người dân tiếp thu, nâng cao kiến thức để khi kết thúc Covid-19, có thể áp dụng, phục vụ tăng cường sản xuất kinh doanh”.
TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học khẳng định: Không phải chỉ trong thời điểm dịch bệnh, mà sách phải là thiết yếu trong cuộc sống của mọi người. Ai cũng biết, sách có chức năng rất là rõ ràng đó là chức năng giáo dục, tiếp nhận tri thức và chức năng giải trí nhân cao tinh thần cho con người… Đó là nhu cầu hưởng thụ chính đáng và cần thiết. Nhất là trong thời điểm đang giãn cách xã hội như hiện nay, khi tâm lý con người ít nhiều hoang mang thì khi tìm đến với sách gần như sẽ giúp tinh thần con người lắng lại, thanh lọc và đem lại cho con người những năng lượng và suy nghĩ tích cực.
Một trong những lý do đề xuất đưa sách vào nhóm hàng thiết yếu là vì sắp đến năm học mới, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu đối với hàng triệu học sinh trên cả nước.
Bà Đỗ Thảo Ly, Giám đốc thương hiệu của Skybooks Việt Nam cho rằng: Sắp tới là thời gian nhập học của học sinh và sinh viên nên sách giáo khoa và dụng cụ học tập nói riêng là rất cần thiết, kèm theo một số sách tham khảo. Nhưng nếu xét trên góc độ đời sống tinh thần thì sách là một người bạn bổ ích và không thể thiếu của mỗi người. Mỗi một loại sách sẽ có giá trị khác nhau vì nhu cầu đọc của mỗi độ tuổi và mỗi ngành nghề là khác nhau. Đọc sách giúp giáo dục con người và nâng cao nhận thức cũng như đem đến lối sống lành mạnh hơn cho mọi người. Từ đó, ý thức cá nhân và tập thể sẽ đều tốt hơn, đời sống cũng văn minh lên và khi có bất cứ vấn đề xã hội nào chúng ta cũng sẽ dễ dàng để giải quyết hơn.
Nhìn rộng ra bên ngoài, cũng phải gánh chịu sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều nước trên thế giới đã công nhận sách là hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch như Bỉ, Pháp, Anh… Tại một số quốc gia châu Á, Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong việc duy trì việc mở cửa hiệu sách. Như vậy, trong khi chờ sách được coi là thiết yếu, mỗi đơn vị trong ngành sách cần lựa chọn hình thức vận chuyển phù hợp để có thể cung cấp sách đến tay người đọc.
Ngày 17/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Để sách đến được tay học sinh trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Nhà xuất bản đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Về cung ứng, vận chuyển, nhà xuất bản lên phương án thiết lập các tổng kho tạm thời tại các địa phương có tình hình dịch bệnh đang lắng dịu để tập kết hàng hóa hoặc trong trường hợp có thể thì vận chuyển sách trực tiếp từ nhà in tới các đối tác phát hành trong khu vực, từ đó, chuyển sách về các trường học, tới tay học sinh kịp phục vụ năm học mới.
Trước đó, ngày 13/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã có công văn gửi tới UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển sách giáo khoa kịp thời trước ngày khai giảng. Đồng thời, đề xuất với Bộ GDĐT để kiến nghị các cơ quan liên quan coi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, được tạo điều kiện thuận lợi trong việc kinh doanh, lưu thông, phân phối đáp ứng nhu cầu của học sinh và giáo viên trong tình hình dịch bệnh hiện nay.