Thanh Hóa: Có dấu hiệu doanh nghiệp tiếp tục xả thải ra sông Lạch Bạng
Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa có văn bản yêu cầu Công ty chế biến hải sản Ngọc Sơn và Công ty CP Thương mại vận tải và chế biến hải sản Long Hải tạm dừng hoạt động kể từ ngày 25/7 để khắc phục tình trạng ô nhiễm do hai DN gây ra. Vậy nhưng, phớt lờ yêu cầu của Sở TNMT, 2 DN này vẫn cố tình "vượt rào" để hoạt động, xả thải ra môi trường.
Theo tìm hiểu, gốc rễ của sự việc bắt đầu vào khoảng 8h ngày 19/7, khi người nuôi cá lồng trên sông Lạch Bạng phát hiện các loài cá vược, hồng mỹ, mú, sủ (cân nặng từ 1 - 3 kg) nổi lờ đờ, ngửa bụng, yếu dần và chết.
Thống kê đến khoảng hơn 9h ngày 20/7 có tổng cộng 44 tấn cá yếu dần và bị chết. Số cá chết được nuôi trong 251 lồng, của 16 hộ gia đình thuộc phường Hải Bình, Xuân Lâm…
Đến ngày 24/7, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng của Bộ TNMT và nhân dân phường Hải Bình, Sở TNMT Thanh Hóa đã phối hợp với UBND TX Nghi Sơn, UBND phường Hải Bình tổ chức kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn (DN Ngọc Sơn) và Công ty CP thương mại vận tải và chế biến hải sản Long Hải (DN Long Hải) đóng tại phường Hải Bình và có hành vi xả thải ra sông Lạch Bạng.
Trong văn bản số 6098/STNMT-BVMT do ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Giám đốc Sở TNMT ký ngày 24/7 cho thấy: Qua kiểm tra DN Ngọc Sơn không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Toàn bộ nước thải phát sinh trong nhà máy đang được thu gom qua các tuyến mương về bể chứa ba ngăn, sau đó bơm xả thải trực tiếp ra sông Lạch Bạng với công suất 105m3/h.
Tại DN Long Hải, có đầu tư hệ thống nước thải tập trung công suất thiết kế 600m3/ngày nhưng hệ thống này không hoạt động, nước thải cũng đổ trực tiếp ra sông Lạch Bạng. Kiểm tra nguồn nước thải cho thấy, nước có màu đục, nhiều bã bột cá và mùi hôi, nhiệt độ cao trên 60 độ C.
Tại thời điểm kiểm tra, Sở TNMT Thanh Hoá đã lấy mẫu nước thải tại hai đơn vị đang xả thải ra môi trường để phân tích làm cơ sở xem xét, đánh giá hành vi vi phạm của hai đơn vị để xử lý, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở TNMT Thanh Hoá yêu cầu hai DN nói trên tạm dừng hoạt động sản xuất kể từ ngày 25/7, tiến hành khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra.
Khi khắc phục xong phải có văn bản báo cáo Sở TNMT Thanh Hoá và các đơn vị liên quan để được xem xét có ý kiến chấp thuận cho phép mới được hoạt động trở lại.
Yêu cầu của Sở TNMT Thanh Hóa là vậy nhưng thực tế, vào lúc 8h45 ngày 17/8, theo quan sát của chúng tôi tại DN Ngọc Sơn có 4 vòi nước thải vẫn đang xả trực tiếp ở phía sau nhà máy. Khi nguồn nước chảy ra ngoài, những lớp váng trắng nổi lên mặt nước và bốc mùi hôi thối.
Phía trên, ống khói của nhà máy cũng xả nghi ngút ngói lên bầu trời.
Tại cống phía sau DN Long Hải, chúng tôi cũng ghi nhận thực trạng nước thải chảy ra môi trường, làm đục váng nguyên một vùng sông Bạng.
Trước đó, theo nguồn tin người dân cung cấp, vào ngày 3/8, khu vực phía sau DN Long Hải có nguồn nước xả thải ra môi trường, cùng với đó là khói trắng bốc ra từ ống thải bên trong nhà máy.
Ngày 11/8, người dân cũng ghi nhận được tình trạng nước thải và khói thải từ nhà máy của DN Ngọc Sơn xả ra môi trường.
Trước thực tế trên, chúng tôi đã liên hệ với ông Đoàn Thanh Chung, Phó phòng TNMT TX Nghi Sơn, ông Chung xác nhận: Sở TNMT Thanh Hoá hiện chưa có văn bản cho 2 DN Long Hải và Ngọc Sơn hoạt động trở lại.
“Trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Sở TNMT Thanh Hoá đối với 2 DN trên trước tiên thuộc về chính quyền cấp cơ sở. Nếu phát hiện 2 DN vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp lệnh tạm dừng, xã phải báo cáo lên UBND TX Nghi Sơn, BQLKKT Nghi Sơn và các KCN cùng Sở TNMT để có phương án xử lý” - ông Chung nói.
Việc DN Long Hải và Ngọc Sơn bất chấp yêu cầu của Sở TNMT Thanh Hoá, vẫn ngang nhiên tổ chức hoạt động sản xuất và có dấu hiệu tiếp tục xả thải ra môi trường cần được ngành chức năng kiểm tra và có biện pháp xử lý cứng rắn đối với hai DN nêu trên.
Không thể vì lợi nhuận mà DN Ngọc Sơn và Long Hải phớt lờ quy định của pháp luật, bỏ mặc trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường cũng như việc mưu sinh của hàng chục hộ dân nuôi cá lồng trên sông Bạng.