Buôn bán vũ khí tự do trên mạng: Hậu quả khôn lường
Hiện nay, hành vi mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ diễn ra công khai trên mạng internet đang tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Trước diễn biến phức tạp trên, bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các vụ mua bán linh kiện vũ khí, lực lượng chức năng của các địa phương luôn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Mua bán tự do trên mạng xã hội
Theo quy định của pháp luật, vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và các loại công cụ hỗ trợ được xác định là phương tiện đặc biệt, trang bị cho một số lực lượng chức năng sử dụng để giữ gìn an ninh, trật tự, trấn áp tội phạm... Tuy nhiên thời gian qua, trên mạng xã hội, các đối tượng tội phạm đã công khai rao bán nhiều loại vũ khí nguy hiểm và các công cụ hỗ trợ.
Một vấn đề đáng lo ngại là chỉ bằng một vài thao tác tìm kiếm đơn giản là người mua có thể tìm được các trang rao bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Bất chấp pháp luật, tình trạng buôn bán vũ khí tự do trên mạng vẫn hoạt động ngày càng biến tướng, đe dọa trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội.
Qua tìm hiểu, hoạt động mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ qua internet, dịch vụ bưu chính đang diễn ra dễ dàng và công khai trên mạng. Dạo một vòng trên một số trang mạng, như Google, Youtube, Zalo, Facebook... chỉ cần gõ từ khóa "mua súng hơi", "vũ khí tự vệ"... sau 0,52 giây, đã xuất hiện 29.800.000 các website, các kênh, như “khohangdocvip.net”, “Miền Đầu CONDOR”, “PHỤ KIỆN PCP 567”... đăng công khai hình ảnh, đầy đủ thông số, tính năng nổi bật của các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ và số điện thoại, giá tiền để người mua tiện giao dịch; thậm chí có kênh còn đăng video thực hành lắp ráp, chứng minh khả năng sát thương tầm xa của súng thu hút nhiều lượt xem, bình luận...
Theo lực lượng chức năng, phần lớn công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm được rao bán trên internet hiện nay đều có nguồn gốc từ nước ngoài, được nhập lậu qua biên giới và tuồn vào các tỉnh, thành phố lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh... Nguy hiểm hơn, một số đường dây mua bán còn kiêm luôn cả khâu sản xuất súng đạn và nhận "nâng cấp" từ súng ít sát thương lên súng gây sát thương cao. Một số đối tượng dùng công nghệ 3D để sao chép, sản xuất nhiều loại súng có tính năng cao, giá trị lớn, rồi bán ra thị trường.
Đe dọa an toàn tính mạng người dân và trật tự xã hội
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), hầu hết các vụ việc vi phạm về tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ đều do các đối tượng, nhóm đối tượng manh động, liều lĩnh thực hiện và có thái độ bất hợp tác với lực lượng chức năng. Có thể xem đây là nguyên nhân khiến số vụ trọng án mà người gây án sử dụng "vũ khí nóng" có xu hướng tăng. Trên thực tế, có không ít vụ cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ... xảy ra và nhiều đối tượng đã sử dụng súng, kiếm và công cụ hỗ trợ là phương tiện gây án.
Ðiển hình là trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua đã xuất hiện các vụ việc sử dụng súng tự chế, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ đe dọa, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản...
Theo đại diện Phòng CSHS Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua công tác nắm tình hình, nhiều đối tượng chế tạo, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng thiết lập đường dây, đi các tỉnh lân cận thu gom súng quân dụng, đạn, thuốc nổ, sau đó vận chuyển qua đường tiểu ngạch mang sang khu vực giáp biên Trung Quốc tiêu thụ, hoặc bán cho các ổ nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", đối tượng ma túy... gây bức xúc dư luận và gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân.
"Quá trình hoạt động của đối tượng hết sức tinh vi khi hàng ngày các đối tượng vẫn đi làm đồng như bao người dân, thường xuyên giao tiếp với bà con nhân dân và cán bộ Công an cơ sở để tạo vỏ bọc về một công dân tích cực nhằm che giấu hành vi phạm tội", đại diện Phòng CSHS Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm.
Không dừng lại ở tình trạng tàng trữ các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép và sử dụng như một vật để phòng thân hay dùng làm hung khí khi xảy ra mâu thuẫn, một số đối tượng còn sử dụng để chống lại người thi hành công vụ. Những sự việc này đang có nguy cơ trở thành tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuân thủ kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, đe dọa an toàn tính mạng người dân và trật tự xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, việc xử lý các hành vi mua bán "hàng nóng" trên mạng xã hội đang gặp không ít khó khăn do khó xác định danh tính, địa chỉ cả người bán lẫn người mua; một số mạng xã hội đặt máy chủ ở nước ngoài. Bên cạnh đó là một số vướng mắc do quy định của pháp luật. Do đó, cùng với giải pháp và cam kết từ phía các trang mạng xã hội, các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn.
Có thể thấy, bên cạnh sự phối hợp của người dân cùng với các lực lượng chức năng, việc cần thiết lúc này là phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý mạng xã hội và lực lượng công an để có thể triệt phá tận gốc những người đang rao bán, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Từ đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần có biện pháp để giảm tương tác hoặc khóa tài khoản những trang chuyên quảng cáo, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, hung khí nguy hiểm nhằm ngăn chặn hoạt động mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, hung khí nguy hiểm diễn biến phức tạp…