Hỗ trợ khẩn cấp và việc giảm nghèo bền vững

Hồng Lĩnh 18/08/2021 21:05

Ngày 17/8, UBND TP Hồ Chí Minh (TP HCM) gửi văn bản cho Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ khẩn cấp với số tiền lên đến gần 28 nghìn tỷ đồng và 142.200.000 kg gạo để hỗ trợ tiền ăn, thuê phòng trọ, lương thực cho hộ lao động nghèo, người lao động nghèo gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Người nghèo nhận quà từ Hội Chữ thập đỏ. Ảnh: CTV.

Theo UBND TP HCM, đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội; thu ngân sách trên địa bàn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, người lao động nghèo của thành phố. Người dân, người lao động đang sinh sống và làm việc tại TPHCM phải rời thành phố sang tỉnh khác hoặc về quê.

Qua rà soát, hiện nay TP HCM có gần 1,6 triệu hộ lao động nghèo và gần 4,8 triệu người lao động nghèo gặp khó khăn. Theo thống kế, dân số TP HCM đến năm 2020 gần 9 triệu người, như vậy theo báo cáo của UBND TP HCM thì đến nay, có hơn 50% dân số đang gặp khó khăn.

Năm 2020, UBND TP HCM báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 trên địa bàn TP HCM.

Theo báo cáo, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, TP HCM đã liên tục thực hiện hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm, kéo giảm đáng kể các thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố; tăng cường xã hội hóa và huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện kịp thời và đúng đối tượng, tạo niềm tin của người dân thành phố đối với chương trình.

Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI khẳng định: Đến cuối năm 2018, thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về “Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm và tiếp tục triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững 2 năm cuối của giai đoạn 2016 - 2020; đến cuối năm 2020, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố.

Trong đại dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã đi khảo sát nhiều khu nhà trọ và trao đổi với người dân về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, công tác an sinh xã hội. Thấu hiểu với cuộc sống khó khăn của người dân nghèo trong thời gian thành phố giãn cách xã hội, ông Nguyễn Văn Nên lắng nghe, chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Bí thư Thành ủy TP HCM đã chỉ đạo các cấp, các ngành của thành phố đưa ra nhiều giải pháp an sinh xã hội để lo cho người dân nghèo, người lao động mất việc làm, nhưng công tác hỗ trợ vẫn chưa được như mong muốn của người dân. Ông Nguyễn Văn Nên đã thẳng thắn, nhìn nhận vào sự thật, cuối tháng 7 vừa qua, đánh giá về những điều làm được và chưa làm được sau 16 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

TP HCM đang hướng đến mục tiêu là thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước cùng cả nước, vì hạnh phúc nhân dân.

Nhưng chỉ trong hơn hai tháng, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 xâm nhập TP HCM, với 6 chỉ thị giãn cách xã hội đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế, khó khăn trước diễn biến dịch bệnh phức tạp khó lường. Trong đó, tỉ lệ hộ nghèo và người nghèo cần được hỗ trợ còn rất cao càng cho thấy những khó khăn, bất cập lớn trong công tác giảm nghèo bền vững.

Hồng Lĩnh