Những động thái mới của Taliban: Sự đối lập giữa lời nói và hành động

Mai Nguyễn (theo AP) 18/08/2021 22:46

Dường như những lời tuyên bố hòa bình của Taliban vẫn không thể đẩy lùi được nỗi lo sợ của người dân Afghanistan trước sự cai trị của lực lượng này.

Những tuyên bố hòa bình

Trong tuyên bố mới nhất trên đài truyền hình hàng đầu Afghanistan, đại diện cấp cao của Taliban Mawlawi Abdulhaq Hemad khẳng định: "Chúng tôi không muốn lặp lại bất kỳ cuộc chiến hay xung đột nào. Những hận thù đã chấm dứt, chúng tôi muốn sống hòa bình và không muốn có bất kỳ kẻ thù nào ở trong và ngoài nước”.

Người dân chen chúc nhau tìm cách trốn thoát khỏi đất nước. Ảnh: AP.

Thế nhưng vào ngày 18/8, các tay súng đã cho nổ tung bức tượng của một thủ lĩnh dân quân người Shiite - người đã chiến đấu chống lại họ trong cuộc nội chiến Afghanistan vào những năm 1990, gây nên làn sóng nghi ngờ về những tuyên bố ôn hòa của lực lượng này.

Khi người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế vẫn đang lo ngại liệu Taliban có thực hiện lời hứa của họ hay không, thì những bức ảnh về bức tượng bị phá hủy được lan truyền trên khắp mạng xã hội. Bức tượng bị phá hủy là Abdul Ali Mazari, một thủ lĩnh dân quân bị Taliban giết vào năm 1996, khi các chiến binh Hồi giáo giành chính quyền từ các lãnh chúa đối thủ. Mazari là một nhà đấu tranh cho người thiểu số Hazara của Afghanistan, người Shiite, những người đã bị đàn áp dưới sự cai trị của Hồi giáo Sunni Taliban trước đó.

Lực lượng Taliban liên tục tuần tra khắp thủ đô Kabul. Ảnh: AP.

Lực lượng này cũng tuyên bố rằng, họ sẽ không “làm hại thường dân vô tội”. Thế nhưng, theo một báo cáo, Taliban đã bắt đầu tịch thu hết súng đạn tự vệ từ thường dân Afghanistan ở thủ đô Kabul. Dẫn lời một quan chức Taliban cho biết, người dân trong thành phố sẽ không còn cần vũ khí vì họ không còn phải tự bảo vệ bản thân.

Cũng trong ngày 18/8, các nhóm chiến binh đã mang theo súng dài tuần tra một khu phố giàu có của thủ đô Kabul, nơi có nhiều đại sứ quán cũng như dinh thự của giới thượng lưu Afghanistan. Giữa bối cảnh bất ổn, hàng nghìn người Afghanistan đã cố gắng chạy trốn khỏi đất nước trong những ngày gần đây, Mỹ và các đồng minh của họ đã phải vật lộn để xoay xở với cuộc rút lui hỗn loạn.

Những cuộc biểu tình giành lại quyền phụ nữ của người dân Afghanistan. Ảnh: AP.

Hàng trăm người đã có mặt bên ngoài sân bay vào đầu ngày 18/8. Taliban yêu cầu được xem hộ chiếu trước khi cho một vài người dân hiếm hoi vào trong. Nhiều người bên ngoài dường như không có hộ chiếu, và mỗi lần cánh cổng mở ra dù chỉ một chút, hàng chục người đều cố gắng chạy qua. Các tay súng luôn bắn cảnh cáo để giải tán đám đông.

Lời thề tôn trọng quyền phụ nữ

Trong quá khứ, lực lượng Taliban được biết đến với những đạo luật hà khắc với phụ nữ Hồi giáo. Trong giai đoạn thống trị Afghanistan từ năm 1996 - 2001, Taliban đã cấm phụ nữ và trẻ em gái làm việc ở công sở và đến trường. Ngoài ra, phụ nữ cũng phải mặc trang phục che kín mặt và phải có nam giới đi cùng khi ra khỏi nhà.

Những đám đông tuyệt vọng tại sân bay quốc tế Kabul. Ảnh: AP.

Tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi kiểm soát Kabul diễn ra hôm qua, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cũng cam kết rằng, phụ nữ Afghanistan sẽ không chịu sự phân biệt đối xử và có cơ hội học tập, làm việc "trong khuôn khổ" luật Hồi giáo.

Ông Mujahid nói, phụ nữ tại Afghanistan sẽ được hưởng quyền lợi và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo đó, phụ nữ có thể đi làm, đi học, làm việc trong các trường học và bệnh viện. Trước đó, ông Enamullah Samangan, thành viên ủy ban văn hóa Taliban đã nói rằng phụ nữ thậm chí có thể phục vụ trong chính quyền Taliban mới.

Những cuộc biểu tình giành lại quyền phụ nữ của người dân Afghanistan (Ảnh: AP).

Cứ ngỡ những người phụ nữ ở Afghanistan có thể nhìn thấy một tia sáng nhỏ nhoi, nhưng sự thật vẫn luôn tàn khốc hơn lời nói. Trước tuyên bố không lâu, khi lực lượng Taliban đi tuần tra khắp thủ đô Kabul, đã xông vào nhà của một người phụ nữ và yêu cầu cô nấu ăn cho 15 tay súng. Nhưng khi người phụ nữ từ chối, họ đã đánh đập và dùng súng AK47 bắn trực tiếp vào người cô. Sau đó, chúng ném lựu đạn vào nhà và bỏ chạy.

Những đám đông tuyệt vọng tại sân bay quốc tế Kabul (Ảnh: AP).

Vụ tấn công chết người này được coi là một bản xem trước ớn lạnh về mối đe dọa mà phụ nữ trên khắp Afghanistan phải đối mặt sau khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul, mặc cho những lời tuyên bố “ôn hòa” của họ. Giờ đây, sau những chiến thắng liên tiếp của Taliban trong 10 ngày qua trên hàng chục thủ phủ, phụ nữ Afghanistan dường như đang bị đưa đến gần hơn với quá khứ mà họ rất muốn bỏ lại.

Mai Nguyễn (theo AP)