Đổi mới mô hình cứu chữa bệnh nhân Covid-19
Nỗ lực giảm áp lực các cơ sở y tế, đồng thời tăng hiệu quả điều trị bệnh nhân Covid-19, hướng đến kiểm soát tốt dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh vừa có những điều chỉnh thay đổi và làm mới mô hình điều trị F0.
Nâng cấp tháp điều trị để giảm ca tử vong
Sở Y tế TP HCM thông tin, tính đến nay thành phố có tổng cộng 156.186 trường hợp nhiễm Covid-19. Hiện đang điều trị 32.667 bệnh nhân, trong đó có 2.256 bệnh nhân đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiếp ECMO.
Lãnh đạo TP HCM nhìn nhận, thời gian qua số ca nhiễm mới chưa có dấu hiệu giảm mạnh, đặc biệt số ca tử vong ở mức cao. Dự báo, tình hình dịch bệnh còn phức tạp và kéo dài. Nhiều bệnh viện tầng 2, tầng 3 luôn trong tình trạng quá tải. Đặc biệt, số ca tử vong cũng ở mức cao. Chính vì thế cần điều chỉnh lại việc phân tầng điều trị. Để giảm áp lực vì quá tải, đồng thời điều trị hiệu quả hơn TP HCM chuyển đổi từ 5 tầng xuống 3 tầng.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM khẳng định, công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên cơ sở phù hợp tình hình thực tế; đảm bảo năng lực y tế hiện tại nhằm đạt kết quả tốt nhất. Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, mục đích của sự thay đổi là huy động tối đa nguồn lực có sẵn, tăng khả năng tiếp cận hệ thống cấp cứu cho người dân bởi đây là giai đoạn quan trọng nhất với người bệnh.
Như vậy, tầng 1 sẽ triển khai chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà kết hợp với các điều kiện đảm bảo an sinh và tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện cho các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Tầng 2 sẽ tiếp nhận, thu dung các F0 cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh lý nền tại các bệnh viện (BV) dã chiến và các BV điều trị Covid-19, các BV chuyển đổi công năng. Bênh cạnh đó, các BV thuộc tầng 2 tiếp tục được đầu tư, tăng cường nguồn oxy và các trang thiết bị phù hợp. Nhất là các thuốc điều trị đặc hiệu theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giảm các trường hợp chuyển nặng, nguy kịch, giảm áp lực cho tầng 3.
Tầng 3, hồi sức chuyên sâu các trường hợp F0 nặng, nguy kịch tại các BV tuyến cuối của thành phố và Bộ Y tế tăng cường cho thành phố. Ở tầng này, các Trung tâm Hồi sức đã đi vào hoạt động, góp phần đáp ứng nhu cầu hồi sức tích cực cho các trường hợp nguy kịch trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Không chỉ thay đổi mô hình điều trị, TP HCM còn thực hiện bổ sung thuốc kháng virus dạng uống cho người bệnh không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ dùng ở tầng 1 và thuốc khánh virus dạng truyền tĩnh mạch cho người bệnh có triệu chứng mức trung bình, mặc ở tầng 2.
Hướng dẫn để F0 điều trị tại nhà
Hiện nay, số ca F0 trong cộng đồng tại TP HCM đã chiếm hơn 70% trong tổng số ca mắc, trong đó nhiều nhất là các quận Bình Thạnh, Tân Bình, quận 3... Có những nơi như quận Bình Thạnh có tỷ lệ ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng chiếm tới 90%, ngoài ra các quận Tân Bình có tới 78% và huyện Hóc Môn là 98% số ca mới trong cộng đồng. Riêng tại quận 1 vừa phát hiện ổ dịch dân cư mới tại đường Yersin, phường Cầu Ông Lãnh (còn gọi là khu Chợ Gà, Chợ Gạo), khiến lo ngại gia tăng ca nhiễm mới trong vài ngày tới.
Các ca F0 liên tục tăng đã tạo áp lực trực tiếp lên các BV dã chiến, BV thu dung của TP HCM. Để giảm tải cho các BV dã chiến, nhiều chuyên gia cho rằng nên chuyển theo hướng tăng khả năng F0 tự chăm sóc và điều trị tại nhà.
Theo ông Trương Văn Quân, chuyên gia có kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà góp ý, hiện nay việc F0 cách ly và điều trị tại nhà là phù hợp khi bối cảnh số ca F0 trong cộng đồng diễn biến phức tạp. Trong đó, người nhà cần biết cách chăm sóc sức khỏe, theo dõi tình trạng bệnh. Họ cần được trang bị kiến thức để nhận biết các dấu hiệu trong trường hợp bệnh chuyển nặng để kịp thời chuyển tới cơ sở y tế, nâng đỡ tinh thần cho người thân là F0... Ông Quân cho rằng, đây là giải pháp phù hợp trong vài tháng tới để TP HCM đạt mục tiêu chung là chăm sóc bệnh nhân F0 hiệu quả tại nhà và giảm tỉ lệ tử vong.
Về điều trị F0 tại nhà, theo bác sĩ Võ Tri Bảo Hưng (BV Bệnh nhiệt đới TP HCM), F0 khi điều trị tại nhà cần tuân thủ đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định của Sở Y tế TP HCM. Cụ thể, theo công văn 5718/SYT- NVY về hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 thì các F0 có thể tự chăm sóc bản thân (như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…), có máy đo SpO2 để theo dõi SpO2 thường xuyên liên tục; có khả năng liên hệ với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Trường hợp, F0 là trẻ em hoặc người không có khả năng tự chăm sóc phải có người hỗ trợ chăm sóc. Tuy nhiên BS Hưng cũng lưu ý, nếu ở trong căn phòng kín không có ánh sáng mặt trời và thiếu thông khí quá lâu sẽ dễ ảnh hưởng về tinh thần và thể chất. Trong khi đó, việc dùng máy lọc không khí sẽ chỉ giảm bớt chứ không diệt được vi rút trong không khí. Do đó, kiến thức cho F0 lẫn người nhà khi điều trị bệnh nhân tại nhà là đặc biệt quan trọng.
Sở Y tế TPHCM đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông sử dụng nguồn dữ liệu từ phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” để giảm tải áp lực cho ngành y tế. Ngành y tế thành phố kỳ vọng, công cụ mới có thể giúp các Tổ điều phối chuyển viện của Sở Y tế TP và các bệnh viện dễ dàng tìm bệnh viện còn giường bệnh không oxy, giường bệnh có oxy… để kịp thời liên hệ chuyển viện cho các ca bệnh.