Từ bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Để dân thương, dân tôn trọng và dân được nhờ

Anh Vũ (thực hiện) 19/08/2021 06:46

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu với những chỉ đạo sâu sắc.

Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về những vấn đề lớn được Tổng Bí thư đặt ra trong bài phát biểu quan trọng này.

PV: Là người gắn bó nhiều năm với công tác Mặt trận, ông có thể chia sẻ những điều tâm đắc nhất về những vấn đề lớn đã được Tổng Bí thư đặt ra tại Hội nghị vừa rồi?

Ông Nguyễn Túc: Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu sâu sắc, ý nghĩa.

Trong bài phát biểu quan trọng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh và làm sâu sắc thêm vị trí, vai trò của đại đoàn kết dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, đặc biệt là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong đó khẳng định vai trò chủ trì hiệp thương của Mặt trận trong phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên để thực sự tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chung.

Bên cạnh đó, một vấn đề lớn mà Tổng Bí thư đặt ra đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là cần phát huy mạnh hơn nữa vai trò tiên phong trong việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Hay như trách nhiệm của Mặt trận khi chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục khẳng định, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, do đó phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Điều đó có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

- Tổng Bí thư đã nhấn mạnh tới những vấn đề lớn để cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” phải là ba “chân kiềng” vững chắc của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó đòi hỏi vai trò nòng cốt của Mặt trận phải thật vững vàng trong mọi tình huống và phải là hạt nhân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để góp sức cùng Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII.

Trong quá trình phát triển của Mặt trận, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên của Mặt trận nhưng nói như Tổng Bí thư thì “Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua việc phát huy vai trò thành viên của Mặt trận chứ không đứng ngoài, đứng trên để lãnh đạo Mặt trận”.

Cho nên điều đó đặt ra yêu cầu mỗi cấp uỷ, chính quyền phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác Mặt trận trong tình hình mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và các đoàn thể phát động; thông qua hoạt động của Mặt trận và đoàn thể để đến với nhân dân. Và phải xem đó là cơ hội để gần dân, hiểu dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Theo ông, trong thời gian tới, Mặt trận các cấp cần cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như thế nào để thực hiện thắng lợi chương trình hành động đã đề ra?

- Trong thời gian tới, hoạt động của Mặt trận phải hướng mạnh về cơ sở thực hiện cho được khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám giám sát, dân thụ hưởng”. Muốn làm được điều đó, cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở, Ban Công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư. Bởi lẽ trên có nói nhiều bao nhiêu mà dưới cơ sở không chuyển thì cũng không thể nào thực hiện được tốt các nghị quyết.

Chính vì vậy, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu phải tập trung nâng cao chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể có tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì công việc, không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì sự phát triển chung của đất nước.

Đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách ở các cấp phải thật sự say mê với công việc, ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết về các mặt, thường xuyên nêu gương, phải trở thành những tấm gương sáng để dân mến, dân thương, dân tôn trọng và nhân dân được nhờ.

Cho nên, MTTQ và các tổ chức thành viên phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ hiện thân từ dân, của dân và do dân với phương châm “miệng nói, tay làm, chân đi, óc nghĩ” để vận động thuyết phục nhân dân làm theo.

Cùng với đó, Mặt trận cũng phải khơi dậy được sức mạnh của toàn dân qua các phong trào, các cuộc vận động. Chỉ khi thực sự phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân mới khơi dậy được sức mạnh của cả dân tộc để cùng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Anh Vũ (thực hiện)