Kabul thất thủ và hành động quốc tế
Trước việc lực lượng Taliban nhanh chóng kiểm soát Thủ đô Kabul của Afghanistan, khiến Tổng thống Ashraf Ghani phải từ chức và rời khỏi đất nước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức có các động thái nhằm bảo đảm an ninh và khôi phục trật tự tại quốc gia Tây Nam Á này.
Kêu gọi khôi phục lại trật tự
Theo Sputnik, tối 17/8 (giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã có phiên họp khẩn về tình hình tại Afghanistan sau khi lực lượng Taliban chiếm được Thủ đô Kabul một cách chóng vánh, hôm 15/8.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn và hỗn loạn tại Afghanistan hiện nay, đặc biệt là tình trạng bạo lực, thương vong của dân thường và khủng hoảng nhân đạo tại đây.
Ông Guterres kêu gọi lực lượng Taliban bảo đảm cho việc tiếp cận nhân đạo một cách đầy đủ và bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, nhân viên LHQ và ngoại giao đoàn và cho rằng, Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế cần thể hiện sự đoàn kết và có tiếng nói chung đối với tình hình tại Afghanistan, trong đó có việc kêu gọi bảo đảm quyền con người, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, cũng như không để lãnh thổ nước này bị các nhóm khủng bố sử dụng làm nơi trú ẩn. Tổng Thư ký LHQ đặc biệt nhấn mạnh: “Những ngày tiếp theo sẽ là then chốt. Thế giới đang theo dõi. Chúng ta không thể và không được bỏ rơi người dân Afghanistan”.
Về sự hiện diện của LHQ ở Afghanistan, Tổng Thư ký Guterres cho hay, điều này sẽ được triển khai phù hợp với tình hình an ninh ở quốc gia Tây Nam Á. Nhưng trên tất cả, ông cho rằng lực lượng LHQ sẽ lưu lại tại đây và hỗ trợ người dân Afghanistan trong thời điểm họ gặp khó khăn.
Tại phiên họp, các nước thành viên Hội đồng Bảo an cũng chia sẻ quan ngại về các diễn biến tại Afghanistan những ngày qua, kêu gọi chấm dứt bạo lực, tiến hành đối thoại, khôi phục trật tự an ninh, tuân thủ đầy đủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế. Chính phủ nhiều nước nhấn mạnh rằng, mọi giải pháp chính trị đối với tình hình tại Afghanistan hiện nay cần bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền phụ nữ.
Trong khi đó, Đại sứ Afghanistan tại LHQ Ghulam Isaczai kêu gọi Hội đồng Bảo an và LHQ không công nhận bất cứ chính quyền nào giành quyền lực thông qua vũ lực hoặc bất cứ chính quyền nào không có tính đại diện, đồng thời hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi thành lập ngay một chính phủ chuyển tiếp có tính đại diện.
Kết thúc phiên họp, Hội đồng Bảo an kêu gọi chấm dứt việc sử dụng vũ lực ở Afghanistan, bảo đảm an ninh và khôi phục trật tự, kêu gọi thành lập một chính phủ thống nhất thông qua đối thoại.
Tuyên bố của Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh việc cần bảo đảm các nghĩa vụ quốc tế của Afghanistan, bảo đảm an toàn cho mọi người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân viên LHQ, nhân viên nhân đạo và ngoại giao đoàn. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực chống khủng bố, không để lãnh thổ Afghanistan bị sử dụng để đe dọa hay tấn công các quốc gia khác.
Hành động của các bên
Lo ngại trước việc Taliban nắm quyền có thể ảnh hưởng đến an ninh khu vực và rộng hơn là quốc tế, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã bắt đầu cân nhắc hành động để ngăn chặn những tác động tiềm ẩn.
Phát biểu tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield kêu gọi: “Các cuộc tấn công nhằm vào dân thường hoặc các mục tiêu dân sự phải chấm dứt. Các quyền của con người và các quyền tự do cơ bản của tất cả người dân Afghansitan, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái và thành viên các nhóm thiểu số, phải được tôn trọng”.
Cùng với đó, ngày 17/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ted Price khẳng định, Mỹ sẽ không bao giờ công nhận chính quyền do Taliban đứng đầu nếu tổ chức này không đảm bảo các quyền của phụ nữ và tiếp tục dung túng cho các tổ chức khủng bố hoạt động trên lãnh thổ.
Ngày 17/8, một cuộc họp trực tuyến của các Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) về tình hình hiện nay ở Afghanistan đã diễn ra. Tại đây, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell tuyên bố, EU sẽ thảo luận với lực lượng Taliban ở Afghanistan càng sớm càng tốt, tuy nhiên, việc này không có nghĩa là EU chính thức công nhận chế độ mới ở Afghanistan, bởi Brussels vẫn “cảnh giác” về việc tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế của lực lượng này.
Về phía Anh, Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi các quốc gia cần hợp tác để ngăn Afghanistan trở thành “nơi sinh sôi nảy nở” của các tổ chức khủng bố.
Đồng quan điểm, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 17/8 tuyên bố, Canada chưa có kế hoạch công nhận Taliban là đại diện của Afghanistan sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Ông Justin Trudeau cho biết, Canada sẽ cho phép 20.000 công dân Afghanistan được nhập cư vào Canada thông qua chương trình thị thực đặc biệt và nhấn mạnh, sáng kiến này vẫn là “ưu tiên hàng đầu”.
Trong một diễn biến liên quan, phản ứng đầu tiên sau khi Taliban tiếp quản Kabul, ngày 17/8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi sẽ “sát cánh” với các đối tác Afghanistan, thực hiện tất cả các bước vì sự an toàn của người Ấn Độ và lợi ích của Ấn Độ ở Afghanistan.
Về phần mình, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết: “Iran ủng hộ các nỗ lực khôi phục ổn định ở Afghanistan với tư cách là một quốc gia láng giềng anh em. Iran kêu gọi tất cả các nhóm đối lập ở Afghanistan đạt được một thỏa thuận thống nhất”. Cho đến nay, Iran với đường biên giới dài 600 dặm với Afghanistan, đang là nơi sinh sống của hàng trăm nghìn người tị nạn Afghanistan hợp pháp và không hợp pháp.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 17/8 cho biết, Moscow sẽ vẫn mở cửa đại sứ quán ở Kabul và hy vọng sẽ phát triển quan hệ với Taliban, cho dù Nga cũng nói, “không vội công nhận Taliban” và sẽ theo dõi chặt chẽ cách hành xử của lực lượng này.
Phát biểu tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 17/8, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định, chỉ có giải pháp chính trị toàn diện mới đem lại hòa bình, ổn định lâu dài ở Afghanistan và kêu gọi tất cả các bên liên quan tại Afghanistan tuân thủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, tiến hành đối thoại nhằm ổn định tình hình và thúc đẩy hòa giải, hòa hợp dân tộc.