Xây dựng ma trận đề kiểm tra chung: Cách nào bảo đảm quyền lợi học sinh?
Vấn đề xây dựng ma trận đề kiểm tra chung của khối THCS và THPT đã từng được nhiều chuyên gia giáo dục đề cập với sự cần thiết để đánh giá chất lượng giáo dục ở các vùng miền khác nhau.
Nhìn từ sự việc 243 học sinh trường chuyên Trần Đại Nghĩa trượt trường chuyên khi xét tuyển vào lớp 10 THPT vừa qua, yêu cầu về ma trận (bản đồ mô tả chi tiết các nội dung, các chuẩn cần đánh giá và là bản thiết kế kĩ thuật dùng để biên soạn đề kiểm tra, đề thi) đề kiểm tra chung lại cho học sinh toàn quốc lại càng cần thiết.
Mới nhất, trong đơn đề nghị xem lại phương án xét tuyển lớp 10 trường chuyên của 243 phụ huynh của TP HCM gửi các cơ quan chức năng có nêu vấn đề: Ở bậc THCS của Trường chuyên Trần Đại Nghĩa thường ra đề kiểm tra định kỳ, kiểm tra thường xuyên khó, gắt gao hơn nhiều trường. Do đó, nếu xét điểm trung bình môn lớp 9 (điểm học bạ), những học sinh này sẽ thua trong cuộc đua vào Trường chuyên so với học sinh nhiều trường THCS khác - được cho là chấm điểm “thoải mái” hơn.
Thực tế, năm nay, khối 9 gồm 15 lớp của Trường THCS Trần Đại Nghĩa (TP HCM) với gần 500 học sinh, khoảng 28% đậu vào lớp chuyên, không chuyên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong; trong khi tỷ lệ này hằng năm khoảng 90%.
Mức độ khó - dễ của đề kiểm tra giữa các lớp trong một trường, đặc biệt là trường chuyên, giữa các trường trong cùng một khu vực và giữa các trường ở các khu vực khác nhau hiện đang có sự chênh lệch lớn. Nếu như việc xét tuyển ĐH còn có một kỳ thi tốt nghiệp THPT chung trên toàn quốc để đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học, kể cả xét tuyển vào ĐH bằng học bạ cũng phải đỗ tốt nghiệp THPT thì với việc xét tuyển vào lớp 10 như cách làm của TP HCM vừa qua, rõ ràng đã bộc lộ những bất ổn.
Bởi yêu cầu của mỗi trường, mỗi thầy cô với học sinh là khác nhau. Tính chất các bài kiểm tra cũng khác nhau với từng đối tượng học sinh nhưng khi kết quả chung cuộc lại đem “đặt lên bàn cân” học sinh đạt 9,0 của trường này với học sinh đạt 8,0 của trường khác để rồi quyết định vấn đề đỗ, trượt vào lớp 10 của học sinh thì không công bằng.
GS TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc xây dựng kho đề thi chung ở cấp THCS, THPT trên toàn quốc là cần thiết và hoàn toàn có thể làm được bằng cách tập hợp 100-200 giáo viên ở các miền khác nhau dạy từng môn học và xem xét cách ra đề kiểm tra của họ. Sẽ có một hội đồng đánh giá đề thi, mức độ khó dễ, để bổ sung, thêm bớt… và tạo ra ma trận đề thi chung của Bộ GDĐT, các trường học căn cứ vào đó để triển khai thành một đề thi riêng, cụ thể ở trường mình. Cách làm này đảm bảo tính công bằng giữa các địa phương trong quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng nếu xây dựng ma trận đề thi tại cùng một địa phương, cụ thể là trong cùng 1 quận huyện thì có thể được. Nhưng nếu áp dụng phạm vi toàn tỉnh thì khó bởi có sự vênh nhau về điều kiện kinh tế xã hội.
“Điều kiện tiếp cận về kinh tế, xã hội của học sinh ở các địa phương, thậm chí là trong cùng một địa bàn Thủ đô nhưng ở nội thành và ngoại thành đã khác nhau và không bình đẳng. Nên nếu xây dựng ma trận đề thi chung trên toàn quốc sẽ thiệt thòi cho học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn”- TS Lâm cho hay.
Vị chuyên gia này lấy ví dụ một học sinh ở miền núi được 7 điểm và một học sinh ở thành phố được 8 điểm chưa nói lên được ai giỏi hơn bởi khi có được đầy đủ điều kiện kinh tế, xã hội kết quả học tập sẽ có thể khác. Vì vậy, cần hết sức cân nhắc với ý tưởng này và nếu có thực hiện thì trước hết thí điểm ở một địa bàn là cùng quận, huyện… sau đó có đánh giá, rút kinh nghiệm để nhìn ra những ưu, nhược điểm cần khắc phục với quan điểm tiên quyết là đảm bảo quyền lợi của tất cả mọi học sinh.