Số ca nhiễm Covid-19 ở Long An tăng vượt dự báo, nhiều vùng 'đổi màu'
Từng dự báo số ca nhiễm Covid-19 ở tỉnh Long An sẽ lên đến 15.000. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tới ngày 19/8, số ca nhiễm ở tỉnh này là hơn 16.500 ca.
Cụ thể, thông tin từ tỉnh Long An cho biết địa phương này đã ghi nhận 16.583 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, ngoài cộng đồng là 5.827 ca, khu vực phong tỏa là 3.950 ca, khu vực doanh nghiệp là 2.887 ca, khu nhà trọ là 2.310 ca, khu cách ly 1.246 cùng 332 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại các cơ sở y tế. Về địa bàn, 5 địa phương vùng đỏ là huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, Cần Đước và TP Tân An tiếp tục chiếm tới hơn 90% tổng số ca nhiễm của toàn bộ 15 huyện, thị thành phố. Đặc biệt, một số địa phương là vùng xanh trước đó như huyện Châu Thành, Thủ Thừa, Tân Trụ đã "đổi màu" sang màu cam, vàng với số ca nhiễm tăng cao.
Việc thống kê các ca nhiễm như trên cho thấy tình hình dịch trên địa bàn Long An vẫn phức tạp trong thời gian tới. Theo đó, số ca nhiễm ngoài cộng đồng được ghi nhận nhiều nhất, chiếm khoảng 33%, và vẫn tiếp tục tăng hàng trăm ca mỗi ngày. Đây là bài toán lớn với lực lượng chống dịch của tỉnh, bởi có rất nhiều nguyên nhân khiến các ca nhiễm ở ngoài cộng đồng như sự di chuyển của người dân, lây lan vô ý của người nhiễm không triệu chứng... Ngoài ra, khu vực phong tỏa cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm, với gần 4.000 ca. Thực tế từ kinh nghiệm chống dịch ở TPHCM cho thấy, các khu vực phong tỏa (nơi đã phát hiện ca nhiễm trước đó) thường có nguy cơ lây nhiễm cao, dù người dân không được di chuyển ra ngoài. Nguyên nhân có thể là công tác xét nghiệm sàng lọc chậm, khu phong tỏa rộng, bỏ lọt ca nhiễm trong xét nghiệm (thường là test nhanh, độ chính xác chưa cao), người dân vẫn di chuyển trong khu phong tỏa. Cuối cùng, khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm tiếp theo ở tỉnh Long An là trong cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, với chủ trương vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, tỉnh Long An đang cho phép doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ”. Đây là mô hình về lý thuyết là an toàn với công tác chống dịch nhưng thực tế ở Long An hay các địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm như TPHCM, Bình Dương, Tiền Giang, nhưng các doanh nghiệp này vẫn có thể trở thành ổ dịch. Đặc biệt, do thực hiện “3 tại chỗ” nên mật động công nhân, người lao động lớn nên nếu có 1 ca nhiễm thì tốc độ lây lan sẽ rất nhanh. Ngoài ra, tỷ lệ các ca nhiễm ở khu nhà trọ cũng khá lớn, khoảng gần 2.400 ca. Đây là khu vực dễ bị tổn thương, nhất là khi thực hiện giãn cách xã hội kéo dài bởi đời sống người dân tại các khu nhà trọ hầu hết khó khăn, chật hẹp, có nhu cầu phải di chuyển nhiều nên tiềm ẩn nguy cơ tăng lây nhiễm.
Hiện nay, lực lượng chống dịch ở tỉnh Long An đã nhìn nhận đầy đủ các nguy cơ và đã đưa ra nhiều giải pháp để tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19 trong tháng 8 này. Đầu tiên là việc tỉnh này sẽ tiến hành xét nghiệm toàn bộ người dân, dự kiến 2 lần từ thời điểm này cho tới hết tháng 8. Cụ thể, tỉnh sẽ chia khu vực ưu tiên xét nghiệm là “vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng” để thực hiện test nhanh kháng nguyên, sau đó xét nghiệm PCR đơn cho những mẫu dương tính với SARS-CoV-2 (kịp thời tách riêng những ca dương tính qua test nhanh kháng nguyên trong khi chờ kết quả xét nghiệm PCR mẫu đơn); sau đó xét nghiệm PCR gộp 10 cho những ca test nhanh âm tính. Đối với các địa phương thuộc “vùng xanh” sẽ thực hiện xét nghiệm PCR gộp 10, giải gộp các mẫu dương tính ngay khi có kết quả xét nghiệm. Đồng thời, sau khi có kết quả RT-PCR dương tính sẽ tiến hành truy vết. Các trường hợp test nhanh dương tính sẽ được tách riêng theo dõi, chờ kết qua xét nghiệm PCR mẫu đơn; nếu kết quả xét nghiệm PCR âm tính thì giải phóng, dương tính thì truy vết, cách ly, điều trị theo quy định.
Ngoài ra, để ngăn chặn sự lây lan và “đổi màu” giữa các vùng xanh, vùng cam, vùng đỏ... tỉnh Long An đã lập thêm nhiều chốt chặn, kiểm soát người dân giữa các vùng trong tỉnh. Đó là 3 trạm được đặt tại các vị trí là Trạm cầu Đức Hòa nằm trên Quốc lộ N2 ở ấp 1, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức. Trạm cầu Bến Lức nằm trên Quốc lộ 1 (ngã tư Bình Nhựt), xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Trạm cầu Đức Huệ nằm trên Đường tỉnh 822 (vừa qua cầu Đức Huệ), thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ. Tại các trạm, lực lượng làm nhiệm vụ trực 24/24 kiểm tra người dân từ các địa phương có số người nhiễm Covid-19 cao (vùng đỏ) di chuyển vào các địa phương có số người nhiễm Covid-19 thấp (vùng xanh) trên địa bàn.