Chợ dân sinh thay đổi như thế nào trong đại dịch Covid-19?
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, các chợ dân sinh ở khắp nơi trên cả nước đã có những thay đổi, cách thích nghi riêng giúp người mua và người bán có thể yên tâm mua sắm trong mùa dịch.
Các khu chợ dân sinh là nơi tập trung hàng hóa và các tiểu thương từ nhiều địa phương, cho nên nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh ra cộng đồng là rất lớn. Vì vậy, công tác phòng chống dịch Covid-19 luôn được Ban quản lý các chợ tích cực tuyên truyền đến từng tiểu thương và người dân. Và tùy theo đặc thù của mỗi chợ mà cách quản lý trong phòng chống dịch cũng khác nhau.
Nếu như trước kia, người dân có thể dễ dàng mua bán tại các chợ dân sinh thì từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường, thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đã có những thay đổi để người dân có thể vừa yên tâm về nguồn cung ứng thực phẩm lại vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, ngay từ những ngày đầu thực hiện Chỉ thị của Chính phủ, nhiều khu vực chợ dân sinh tại các địa bàn trên cả nước đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhắc nhở, hướng dẫn tiểu thương dừng các bán các mặt hàng không thiết yếu, chấm dứt các hoạt động mua bán trên lòng đường, lề đường, vỉa hè các khu vực chợ tạm trên địa bàn.
Cụ thể, lực lượng chức năng tại các địa phương đã tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho Nhân dân trên địa bàn; sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến. Bố trí tăng cường cán bộ hướng dẫn nhân dân đến mua sắm hàng hóa đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch theo quy định ngay từ khu vực để xe, lối ra vào và trong cơ sở kinh doanh.
Tiếp đó, Ban Quản lý các chợ truyền thống/dân sinh cũng lập chốt kiểm soát tại các cổng ra vào chợ, cử lực lượng thường xuyên giám sát, theo dõi, bố trí, sắp xếp giãn cách, tổ chức đo thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế cho người ra vào chợ; vận động những hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tạm ngừng kinh doanh để thực hiện giãn cách. Các cán bộ của Ban Quản lý chợ có mặt tại các chốt trực từ 4h sáng hướng dẫn bà con thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay khi tham gia mua bán tại chợ. Nhiều gian hàng không thiết yếu đều đã đóng cửa đảm bảo phòng dịch bệnh.
Đối với người dân, kể từ khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, người dân cũng thay đổi thói quen đi chợ từ 1-3 lần/ ngày sang 1-3 lần/tuần để đảm bảo công tác phòng dịch cũng như sức khỏe cho cả gia đình.
Các chợ truyền thống khác đã triển khai việc phát phiếu đi chợ cho người dân trên địa bàn từng phường theo ngày, để giảm lượng người vào chợ, đảm bảo giãn cách, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Đào - Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo phòng chống dịch Covid- 19 xã Thanh Liệt cho biết: Khác với các khu chợ dân sinh khác, chợ Quang (Thanh Liệt, Hà Nội) là nơi tập trung lượng lớn các phương tiện hàng hóa từ các địa phương đổ về mỗi ngày và đây cũng là nơi tập trung dân cư trên địa bàn. Chính vì vậy, chỉ cần một chút sơ hở trong công tác phòng chống dịch thì sẽ gây nên hậu quả khó lường. Ý thức được đều này nên trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Tổ công tác chỉ đạo phòng chống dịch Covid- 19 xã Thanh Liệt cùng đơn vị quản lý chợ Quang đã triển khai rất tốt các giải pháp nhằm nâng cao ý thức tuân thủ trong công tác phòng chống dịch bệnh đối với các tiểu thương buôn bán tại chợ như: ghi chép, hướng dẫn đeo khẩu trang và quét mã QR cho người dân khi ra vào chợ. Đặc biệt là quy trình xe vào ra đều được thực hiện giám sát, khử khuẩn, không cho tài xuống, có khai báo và đăng ký rõ ràng”.
Thiết nghĩ, với những yêu cầu và biện pháp quyết liệt từ các cấp, ngành trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 đang có xu hướng ngày càng phức tạp, thì tự bản thân mỗi người dân cần nghiêm túc thực hiện. Ban quản lý các chợ cũng cần giám sát, nhắc nhở người dân mua hàng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Việc nâng cao ý thức tự giác đi đôi với sự quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện sẽ góp phần bảo đảm an toàn, sức khỏe người dân, góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch.