Học sinh lớp 1 học trực tuyến: Các trường đã chuẩn bị gì?

Dương Tiêu 19/08/2021 15:07

Để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào năm học mới cho học sinh, nhất là học sinh lớp 1, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội đang chủ động xây dựng nhiều phương án dạy học, kể cả trực tiếp hay trực tuyến.

Năm học 2021-2022 sắp bắt đầu trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Những ngày qua, trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 bày tỏ lo lắng khi nhiều khả năng con sẽ học online ngay từ buổi đầu tiên của năm học mới do ảnh thưởng của dịch bệnh. Nỗi lo này không chỉ của riêng phụ huynh mà còn là trăn trở của các nhà trường, thầy cô giáo.

Linh hoạt nhiều phương án

Theo khung kế hoạch năm học 2021-2022 của thành phố Hà Nội, thời gian học sinh tựu trường vào ngày 1/9 và khai giảng năm nọc mới vào ngày 5/9.

Lịch tựu trường đã có nhưng đến thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trong bối cảnh này, các trường tiểu học đã lên phương án dạy học cụ thể cho năm học mới, ứng phó với diễn biến của dịch bệnh.

Học sinh lớp 1 làm quen với học vần trước khi bước vào năm học mới.

Với kinh nghiệm dạy trực tuyến từ năm học trước, cô Nguyễn Thị Thúy Minh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ) cho hay, nếu dịch Covid-19 vẫn kéo dài, nhà trường đã có hướng dẫn cụ thể cho giáo viên từng khối lớp triển khai việc dạy học trực tuyến qua phần mềm Zoom ngay từ buổi học đầu tiên của năm học mới.

Dù đã chủ động xây dựng các phương án cho việc dạy học trực tuyến nhưng điều khiến cô Minh trăn trở nhất là làm sao để việc dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 đạt hiệu quả khi mà các con chưa hề biết mặt chữ, chưa từng được đến trường, chưa làm quen với cô giáo và bạn bè.

Dự kiến, giải pháp trước mắt của nhà trường sẽ dạy học sinh lớp 1 biết ghép vần, thuộc mặt chữ và làm Toán trong quá trình dạy học trực tuyến. Sau đó, khi dịch bệnh qua đi, các con được trở lại trường học, giáo viên chủ nhiệm sẽ kèm các con tập viết trực tiếp trên lớp.

Sở dĩ đưa ra phương án, trên theo cô Minh, vì trẻ 6 tuổi khi bước vào bậc tiểu học còn đang bỡ ngỡ với các nét chữ, dòng kẻ ô li. Nếu các con được học trực tiếp trên lớp, cô giáo còn có thể “cầm tay, chỉ việc” nắn nót từng nét chữ. Nhưng khi các con học viết bằng hình thức trực tuyến sẽ rất vất vả và hiệu quả không cao.

Những ngày phải tạm dừng đến trường do dịch bệnh, cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Đông Thái dành nhiều thời gian soạn các bài giảng online.

Với kinh nghiệm 30 năm dạy học lớp 1, cô Thủy chia sẻ, bài giảng online cho các con mới bước vào bậc tiểu học phải cô đọng, kết hợp nhiều hình ảnh, trò chơi sinh động. Mục đích vừa tạo cuốn hút cho học sinh, vừa giúp giáo viên nắm bắt học sinh tiếp thu kiến thức tới đâu.

Dù trường Tiểu học Đông Thái dự kiến sẽ dạy viết cho học sinh lớp 1 khi các con trở lại trường học nhưng cô Thủy cho biết, cô đã chủ động lên phương án dạy viết cho các con bằng hình thức trực tuyến.

Theo phương án này, cô sẽ vẽ dòng kẻ, thiết kế các nét chữ cơ bản trên máy tính. Các nét chữ được đánh dấu những điểm quan trọng mà các chữ đi qua. Sau đó, cô phối hợp cùng phụ huynh dạy con viết qua hình ảnh.

“Chúng tôi sẽ cố gắng truyền đạt cho các con lĩnh hội một phần kiến thức trong quá trình học trực tuyến. Với phần kiến thức, môn học nào cần học trực tiếp, chúng tôi sẽ linh hoạt sắp xếp dạy các con trực tiếp trên lớp”, cô Thủy cho hay.

Học trực tuyến rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Ảnh minh họa. Nguồn : Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Việc dạy học trực tuyến vốn đã quen với các trường, thầy cô giáo trong năm học trước qua nhiều lần dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn có một số trường gặp khó khi triển khai dạy học trực tuyến bởi không có đủ thiết bị học tập. Đơn cử như trường Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ).

Trao đổi với phóng viên, cô Kiều Thị Minh Hoa, hiệu trưởng nhà trường bày tỏ khó khăn trong việc dạy học trực tuyến của nhà trường trong năm học 2020-2021. Trong số 48 học sinh lớp 1 của năm học trước, có tới 20 học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo.

Trong khi sách giáo khoa còn không đủ thì việc trang bị thiết bị học trực tuyến như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng… là điều quá xa xỉ với số học sinh này. Nhà trường đã khắc phục bằng cách nhóm các em với nhau, mỗi nhóm 3 bạn để các em học nhờ cùng các bạn trong lớp.

Năm học 2021-2022, trường Nam Phương Tiến A có 2 lớp 1 với 52 học sinh. Qua rà soát của nhà trường, trong số 52 học sinh này có một vài học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các con sẽ học trực tuyến ra sao nếu dịch bệnh còn kéo dài là trăn trở lớn của Ban giám hiệu và giáo viên nhà trường.

Cùng với giải pháp chia nhóm lớp từ năm học trước, cô Hoa tính tới việc nhờ các bác trưởng thôn vận động, chuyển bài học đến tận tay với những học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến. Dẫu còn bộn bề nỗi lo nhưng cô Hoa chia sẻ: “Cho dù khó khăn hay thuận lợi, chúng tôi đặt quyết tâm đồng hành cùng các con hoàn thành nhiệm vụ năm học tới”.

Đừng ngại khó

Các chuyên gia giáo dục đánh giá, việc dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học, đặc biệt đối với học sinh lớp 1, lớp 2 rất khó khăn. Khó khăn không chỉ dừng lại ở việc các em chưa thành thạo thao tác thiết bị học tập thông minh mà cái khó nhất là học sinh không được giao tiếp trực tiếp để khơi mở kiến thức, cảm hứng học tập.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), việc dạy học trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh là hết sức cần thiết.

Đối với học sinh lớp 1, muốn triển khai hình thức dạy học trực tuyến có hiệu quả, việc cần làm đầu tiên là tạo tâm lý thoải mái, giảm áp lực điểm số, thành tích với học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông 2021 đòi hỏi giáo viên phải đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học. Vì vậy, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nhà trường, giáo viên cần chủ động, tâm huyết tìm ra nhiều cách thức dạy học phù hợp với học sinh, linh hoạt ứng phó với dịch bệnh.

Khi dạy học trực tuyến, giáo viên nên chia nhỏ lớp học thành từng nhóm, rút ngắn thời gian mỗi tiết dạy để dễ dàng quan sát khả năng tiếp thu của từng học sinh. Với học sinh tiếp thu kiến thức chậm, các cô nên đưa ra cách thức dạy và rèn luyện riêng theo nhịp tiếp thu của các con. Đồng thời đưa ra nhiều trò chơi để cuốn hút trẻ với bài giảng, huy động cha mẹ học sinh cùng vào cuộc.

Chia sẻ với những lo lắng của phụ huynh có con năm nay vào lớp 1, TS Nguyễn Tùng Lâm đề cao vai trò trách nhiệm của cha mẹ học sinh trong quá trình con học trực tuyến.

TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm: “Sẽ không quá khó nếu như phụ huynh đồng hành cùng nhà trường, tạo tâm thế vững vàng cho con bước vào năm học đầu đời”.

Dương Tiêu