Gỡ ‘nút thắt’ khó gỡ nhất

Tâm Như 20/08/2021 08:20

Từ đầu những năm 90 Hà Nội đã đặt vấn đề cải tạo chung cư cũ và bao năm rồi vấn đề này vẫn đang là nỗi canh cánh của lãnh đạo thành phố cũng như sự chờ đợi mỏi mòn của cư dân đang sống trong những khu nhà cũ nát, thiếu an toàn.

Thực tế việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ tại đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ, trong đó đã thực hiện kiểm định được 401 chung cư. Từ năm 2007 đến nay, Hà Nội mới thực hiện cải tạo, xây dựng lại 18 chung cư, đang tiếp tục triển khai thi công 14 dự án, chiếm 1,8%. TP HCM có khoảng 575 nhà chung cư cũ, trong đó đã cải tạo, xây dựng lại được 15 chung cư, chiếm 1,3%.

Nguyên nhân của việc chậm trễ này theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, là do những bất cập từ cơ chế, chính sách dẫn đến khâu xây dựng kế hoạch, quy hoạch, lập dự án, giải phóng mặt bằng, bố trí quỹ nhà tái định cư… gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt là thiếu những quy định cụ thể về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; việc tạo lập quỹ nhà tạm cư khi phá dỡ chung cư cũ… Những khó khăn đó khiến các doanh nghiệp đầu tư và cả người dân đều không mặn mà.

Về phía người dân, đa số đều lo ngại trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của các khu chung cư có tuổi đời đến 40 năm nên đều mong muốn được sống trong những khu nhà mới, an toàn hơn, đẹp đẽ hơn, tiện dụng hơn. Song vẫn còn một bộ phận lấn cấn - đó là những gia đình có căn hộ ở tầng 1. Ai cũng biết, hầu hết những căn hộ tầng 1 đều có điều kiện cơi nới mở rộng diện tích thuận lợi hơn so với những hộ ở tầng trên, vì thế diện tích sinh hoạt thường rộng rãi hơn. Chưa kể, với những tòa nhà ở mặt đường lại mở ra điều kiện kinh doanh cho những gia đình sở hữu căn hộ tầng 1.

Vì thế nhiều năm nay, một trong những mắc mớ lớn nhất trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nằm ở câu chuyện giải quyết lợi ích cho những căn hộ ở tầng 1. Nhiều người chia sẻ, họ thà ở chật chội, bí bách, thậm chí thiếu an toàn còn hơn là ở nhà mới khang trang mà mất đi nguồn thu. Hoặc giả nếu được bố trí ở những vị trí kinh doanh mới thì chưa chắc đã thuận lợi như cũ hoặc muốn được kinh doanh thì lại phải đóng góp thêm nhiều tiền, chưa chắc đã kham được…

Nhưng nay, từ ngày 1/9/2021 Nghị định 69/2021/NĐ-CP có hiệu lực sẽ “cho phép các hộ tầng 1 có diện tích kinh doanh được mua thêm một phần diện tích sàn kinh doanh dịch vụ trong dự án theo quy hoạch và thiết kế được duyệt để bảo đảm có thu nhập sau này”…

Theo các chuyên gia trong ngành xây dựng, quy định này sẽ gỡ được “nút thắt” khó nhất về phía người dân.

Tâm Như