Tình yêu bền vững

Trần Hữu Thăng 20/08/2021 14:00

Tình yêu là gì? Có tình yêu bền vững không? Tại sao các vụ ly thân, ly dị xảy ra ngày càng gia tăng?Có thể trả lời được các câu hỏi trên nếu cứ từ từ phân tích.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Yêu là: 1/ Có tình cảm dễ chịu khi tiếp xúc với một đối tượng nào đó, gần gũi và thường sẵn sàng vì đối tượng đó mà hết lòng. Thí dụ: Mẹ yêu con. Yêu nghề. Yêu đời. Trông thật đáng yêu. Yêu nên tốt ghét nên xấu (ca dao). 2/Có tình cảm thắm thiết dành riêng cho một người khác giới nào đó, muốn chung sống và cùng nhau gắn bó cuộc đời. Thí dụ: Yêu nhau. Người yêu. Yêu nhau trầu vỏ cũng say, ghét nhau cau đậu đầy khay chẳng màng (ca dao). Những là trộm dấu thầm yêu chốc mòng (Nguyễn Du)”. “Yêu dấu là yêu tha thiết trong lòng. Thí dụ: Quê hương yêu dấu. Người bạn đời yêu dấu”. “Yêu đương là tình yêu giữa nam và nữ”.

Cũng theo “Từ điển tiếng Việt”: Tình yêu là: 1/ Tình cảm nồng nhiệt làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật. Thí dụ: Tình yêu quê hương đất nước. Tình yêu với ngôi trường cũ. 2/ Tình cảm yêu đương giữa nam và nữ. Thí dụ: Tình yêu son sắt thủy chung.

Theo nhà triết học cận đại, ông Marcel Achard (1899 - 1974) thì: “Không bao giờ có tình yêu đổ vỡ cả”. Một nhà phê bình văn học ở thế kỷ trước đã nói rõ ý này của Achard như sau: “Khi con người đã có được tình yêu đích thực thì nó mạnh mẽ, vững bền không bao giờ đổ vỡ cả. Cái mà đổ vỡ thì không nên gọi là tình yêu. Đó chỉ là một bản sao chép (copy) giống như tình yêu mà thôi”.

Vậy nếu kết hợp giữa “Từ điển tiếng Việt” và câu danh ngôn của Marcel Achard thì có thể rút ra kết luận: Nếu đã gọi là tình yêu thì phải cố gắng giữ gìn, cố gắng xây đắp để bền chặt mãi mãi. Đó là tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cha mẹ, tình thầy trò vì hiếu kính, biết ơn, tình bạn sắt son, tình yêu đôi lứa đến đầu bạc răng long. Còn đối với loại tình cảm “na ná giống tình yêu”, đó là tình yêu có mục đích trục lợi, tính toán thì chắc chắn sẽ sụp đổ, chắc chắn sẽ tan rã.

Như vậy, đã rõ ý của Achard: Cái gì đổ vỡ thì không thể gọi là tình yêu được nữa. Ở đời có ai dám để đổ vỡ tình yêu với quê hương, đất nước, với ông bà, cha mẹ, với gia đình gắn bó suốt cuộc đời ta, như một nhạc sĩ đã viết: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Vậy ai dám tự nhận mình không còn là người nữa nếu phản bội, nếu lãng quên, nếu vô ơn với nơi mình đã chôn rau cắt rốn, nơi đã nuôi dạy mình khôn lớn? Cũng chính Marcel Achard đã dạy ta: “Tình yêu là điều ta phải luôn ghi tâm khắc cốt”. Như thế, tình yêu chân chính đối với mỗi con người lương thiện chúng ta phải được coi là hơi thở từng phút, từng giờ. Nếu ngừng thở một lúc ta sẽ chết. Nếu mất tình yêu bền chặt với quê hương, với xã hội, với gia đình thì con người cũng sẽ sụp đổ vì không còn nhân phẩm nữa, không còn nơi an trú giữa cuộc đời đầy khó khăn, vất vả này nữa.

“Tình yêu bền chặt” to lớn nhất mà mỗi con người phải ghi nhớ suốt đời, đó là tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương đất nước. Chỉ cần ghi nhớ các câu danh ngôn sau đây để làm đúng, làm có chuẩn mực với loại tình yêu cao quý này.

Nhà triết học vĩ đại người Anh, ông Francis Bacon (1561 - 1626) đã viết: “Tình yêu đất nước phát sinh từ tình yêu gia đình”. Điều này đúng hoàn toàn. Mỗi người lính ra trận sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, cũng chính là để bảo vệ sự an toàn cho từng gia đình nhỏ bé. Nhiều bà mẹ tiễn con ra trận đã khóc thầm lặng lẽ, nhưng lòng đầy tự hào vì đã góp phần nhỏ bé cho việc bảo vệ đất nước, bảo vệ quê hương. Đó là sự đồng thuận, thống nhất giữa gia đình và Tổ quốc mà Việt Nam ta đã trường tồn và phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Cá nhân nào, dù học thức cao hiểu biết rộng mà không nhận thức đúng đắn được mối liên kết gia đình và xã hội này thì sẽ thất bại, sẽ cay đắng.

Nhà xã hội học Richard Wagner (1813 - 1883) đã dạy con người rất cụ thể về tình yêu Tổ quốc: “Tình yêu đất nước buộc ta phải tôn trọng trật tự công cộng, luật pháp và các quy định của Nhà nước”. Đặc biệt trong những lúc quê hương, đất nước gặp khó khăn như đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tình yêu bền vững mà mỗi con người nhỏ bé chúng ta phải thể hiện là chấp hành một cách tự nguyện, tự giác mọi quy định của Chính phủ, của các cấp lãnh đạo về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Đến đây, khi viết về “Tình yêu bền vững”, thật là thiếu sót nếu không nêu ra đây Tổng kết tài tình của nhà thơ Chế Lan Viên của thế kỷ trước: “Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ, như cha, như vợ, như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn lúa, con sông”.

Từ tổng kết này, ta có thể viết thành công thức:

Tình yêu bền vững = Lòng biết ơn + Sự hy sinh

Từ công thức này ta thử cắt nghĩa về các vụ ly thân, ly dị dẫn đến hôn nhân tan vỡ, hạnh phúc gia đình bị chà đạp, những đứa con nhỏ trở thành nạn nhân. Nguy cơ đến với những đứa trẻ này là chúng có thể trở thành những tội phạm trong tương lai vì không còn được che chở bởi mái ấm gia đình nữa, phải đi lang thang, bụi đời từ khi còn nhỏ. Nguyên nhân đã rõ, vì bố mẹ chúng tưởng lầm là đã có cái “na ná giống tình yêu” nên khi chung sống với nhau họ từ chối lòng biết ơn, từ chối sự hy sinh, họ chỉ biết sống ích kỷ, chạy theo dục vọng thấp hèn, tìm kiếm những đồng tiền dơ bẩn, bất hợp pháp, dẫn tới gia đình tan vỡ. Nếu ta dạy cho trẻ em và nhắc nhở cho tất cả mọi người ở các lứa tuổi về “lòng biết ơn” như: Biết ơn người nông dân đã nuôi ta bằng lúa gạo, biết ơn người thợ dệt đã giúp cho ta có vải để may quần áo, biết ơn người dọn vệ sinh đêm tối rét mướt giúp cho khu phố sạch sẽ, vệ sinh... thì chúng ta đã vun đắp dần dần một tình yêu bền vững với quê hương đất nước. Nếu ai không được thường xuyên giáo dục, nhắc nhở lòng biết ơn cơ bản này sẽ mất dần phương hướng trong việc tu dưỡng và xây dựng đạo lý làm người, nhất định sẽ mắc phải sai lầm.

Điều tra những gia đình, những cặp vợ chồng hạnh phúc, giữ được êm ấm đến khi đầu bạc răng long, các nhà xã hội học phát hiện ra cái gốc, cái nguyên nhân, cái chìa khóa của “Tình yêu bền vững” đó là lòng biết ơn và sự hy sinh thầm lặng của tất cả các phía. Đúng như tác giả Bulwer Lytton (1803 - 1873) đã viết: “Nền văn minh chính là một cuộc hy sinh thầm lặng của thế hệ này tiếp sang thế hệ khác”. Thật xứng đáng cho những ai biết cách hy sinh để hưởng được ánh sáng của văn minh!

Trần Hữu Thăng