Có quy hoạch tốt mới có dự án tốt

H.Vũ 20/08/2021 06:30

Ngày 19/8, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, làm tốt công tác quy hoạch thì đánh giá được tốt các tiềm năng, nhận rõ cơ hội, khó khăn, thách thức, từ đó có giải pháp tập trung phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ để các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác quy hoạch. Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu.

Theo ông Dũng, dự kiến trong năm 2021 sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022. Sau khi được phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước Luật Quy hoạch được ban hành.

Đặc biệt, hiện nay theo ông Dũng, các bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, theo hướng “Chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp trong hoạt động quản lý nhà nước, tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng với điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từng bước bãi bỏ các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành theo nguyên tắc minh bạch, công khai.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, việc quy hoạch tỉnh hiện nay triển khai còn chậm do phụ thuộc rất nhiều vào quy hoạch cấp trên, mà quy hoạch cấp trên chưa được ban hành nên việc triển khai ở cấp dưới còn khó khăn. Cụ thể, theo Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh có nội dung tích hợp đa ngành trên địa bàn 1 tỉnh. Quy hoạch tỉnh phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và là cơ sở để thực hiện các bước, các hoạt động đầu tư phát triển trong địa bàn 1 tỉnh bao gồm cả công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị. Nội dung quy hoạch tỉnh thể hiện các lĩnh vực về sắp xếp, phân bố không gian phát triển như định hướng kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị và nông thôn, các khu chức năng trên địa bàn 1 tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh hoàn thành việc thẩm định và trình phê duyệt.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành tiếp thu ý kiến các địa phương và địa phương cũng tiếp thu ý kiến các bộ, ngành để phối hợp làm công tác quy hoạch.

Theo Thủ tướng, công tác quy hoạch cần đi trước một bước, quy hoạch tổng thể, bao quát, cụ thể hoá Luật Quy hoạch của Quốc hội, bám sát tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, bộ, ngành, cơ quan đơn vị để phát triển bền vững.

“Làm tốt công tác quy hoạch thì đánh giá được tốt các tiềm năng, nhận rõ cơ hội, khó khăn, thách thức, từ đó có giải pháp tập trung phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Có quy hoạch tốt mới có đề án, dự án tốt, có nhà đầu tư tốt, sử dụng tốt nguồn đầu tư công, phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả”- Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý, công tác quy hoạch không mới, nhưng cái mới là đồng thời làm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Cái nào trước, cái nào sau thì Trung ương và địa phương hay các địa phương với nhau phải trao đổi, phối hợp chặt chẽ để có sự hài hòa.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các quy hoạch bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; các quy định, quy chế phải bám sát quy hoạch, quy định của Chính phủ. Quá trình làm, vướng ở cấp nào thì cấp đó giải quyết. Quá trình làm bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, cái gì đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai ngay.

Thủ tướng cho rằng, cái gì chưa có quy định, vượt qua thực tiễn thì mạnh dạn làm thí điểm, rồi bổ sung, hoàn thiện sau. Quá trình làm mà vướng luật thì phân tích, đề xuất cấp có thẩm quyền. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết để cùng làm, cùng tháo gỡ, không câu nệ thủ tục hành chính, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không cục bộ, không manh mún mà phải bao quát.

H.Vũ