Tuyển sinh không câu nệ vào điểm số?

Dung Hòa 20/08/2021 09:00

Theo các chuyên gia giáo dục, khi các trường đại học (ĐH) được tự chủ trong tuyển sinh, cần thay đổi và đa  dạng hơn nữa phương thức xét tuyển, không nên chỉ dựa vào điểm số.

Nếp quen khó bỏ

Trong nhiều năm qua, việc tuyển sinh ĐH ở Việt Nam hầu như chỉ căn cứ vào điểm số, điểm thi. Những yếu tố khác như hoạt động xã hội, phẩm chất phù hợp với nghề... không phải là tiêu chí lựa chọn dù đây là những yếu tố góp phần đánh giá toàn diện năng lực của một cá nhân.

ThS Trần Nam - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM phân tích, lâu nay việc tuyển chọn theo hình thức thi tuyển tập trung đang bộc lộ những bất cập trong việc tuyển những sinh viên phù hợp với đặc điểm ngành đào tạo, nghề nghiệp tương lai. Điều này có thể dẫn đến việc sinh viên nghỉ học vì không cảm thấy phù hợp và yêu thích với ngành đào tạo; cử nhân tốt nghiệp không phát huy tốt chuyên môn đã học, bỏ nghề để làm những việc có chuyên môn khác theo sở trường...

Theo TS Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP HCM), thực tế tuyển sinh ở nước ta lâu nay hầu như chỉ dựa vào điểm số (điểm thi THPT, điểm học bạ, điểm đánh giá năng lực...), chưa thấy một trường chuyên hay trường ĐH nào tuyển thẳng một học sinh vì thành tích thể thao hay văn nghệ nổi trội.

TS Dũng thẳng thắn cho rằng, việc tuyển sinh theo nếp cũ có nguyên nhân chủ quan là các trường làm việc theo quán tính, theo lối mòn với phương châm “an toàn là trên hết”.

Nặng về “phần ngọn”

Khi trao đổi về việc lâu nay, ở bậc học phổ thông tỷ lệ học sinh giỏi ở nhiều trường/lớp đạt từ 70- 90%, từ huynh đến các chuyên gia giáo dục đều chỉ ra rằng, nếu còn coi trọng đánh giá bằng điểm số thì giáo dục còn tiếp tục tình trạng dạy học nhồi nhét, và “bệnh” thành tích trầm kha trong giáo dục sẽ không thể chữa trị.

PGS Nguyễn Hữu Hợp - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm, chúng ta vẫn nặng về đánh giá “phần ngọn”. Tức là chủ yếu mới kiểm tra kiến thức, kỹ năng mà chưa đánh giá được năng lực thực sự của học sinh, vẫn coi đánh giá là khâu cuối cùng, trong khi lẽ ra phải diễn ra trong suốt quá trình giáo dục.

Điều này dẫn tới việc chỉ coi trọng điểm số mà không đánh giá được những năng lực khác của người học, nhất là năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, làm việc nhóm...

Từ bậc học phổ thông đã vậy, tiếp đến bậc ĐH vẫn duy trì việc tuyển sinh bằng điểm số đang có ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn nhân lực. Có rất nhiều sinh viên sau khi vào trường, chỉ biết học và học, có điểm số rất cao nhưng kỹ năng sống và kiến thức xã hội không có.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, không có kỹ năng để tham gia các cuộc phỏng vấn, không thể tự tìm nổi công việc, vậy thì liệu những cử nhân ấy có thể làm được gì trong tương lai? Như thế, cách tuyển sinh đầu vào cũng sẽ quyết định đến chất lượng đầu ra.

TS Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục IEG khẳng định nhiều sinh viên ra trường không xin được việc tốt không phải vì không thông minh mà vì thiếu kỹ năng cần thiết. Đơn cử như thiếu kỹ năng giao tiếp qua văn viết và văn nói; không thể làm việc nhóm, thương lượng, quản lý khách hàng đối tác; thiếu tác phong chuyên nghiệp…

Vì thiếu những kỹ năng nói trên, nên theo TS Hiếu, sinh viên hãy cẩn thận, tấm bằng ĐH không nói được gì nhiều về khả năng làm việc của bạn.

Phỏng vấn đánh giá năng lực - tại sao không?

Xu thế tự chủ tuyển sinh thời gian qua đã giúp các trường ĐH có cơ hội đa dạng hóa các hình thức tuyển sinh, nâng chất lượng đầu vào. Hình thức phỏng vấn để tuyển sinh đã và đang trở thành một xu hướng được nhiều trường ĐH lựa chọn từ vài năm trở lại đây.

Đơn cử như từ mùa tuyển sinh 2021, ĐH Bách khoa TP HCM lần đầu tiên tuyển sinh bằng phỏng vấn. Đây là 1 trong 6 phương thức tuyển sinh của trường. Cùng với đó, năm 2021 trường ĐH Ngân hàng TP HCM cho biết cũng tuyển sinh bằng hình thức phỏng vấn.

Ở mùa tuyển sinh 2021, khi chưa thực hiện giãn cách, ĐH Bách khoa Hà Nội đã sử dụng 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển tài năng; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy. Trong đó, với phương thức xét tuyển tài năng, ĐH Bách khoa Hà Nội tiến hành xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn dành cho thí sinh.

GS Etienne Saur, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, ĐH Việt Pháp) cho biết: Việc gặp gỡ và trao đổi với thí sinh trong buổi phỏng vấn sẽ giúp Hội đồng đánh giá toàn diện thí sinh, về kiến thức, các kỹ năng như giao tiếp, tư duy cũng như động lực học tập, bên cạnh kết quả điểm số thể hiện trong hồ sơ ứng tuyển.

Qua đó, nhà trường cũng nắm được tâm tư, nguyện vọng và kế hoạch phát triển của sinh viên để có thể đồng hành, hỗ trợ các em tốt hơn trong quá trình học tập sau này.

Dung Hòa