Ẩn họa từ việc nuôi cá lồng bè tự phát

Tâm Lê 20/08/2021 00:10

​Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương, có đến 97% số lồng bè nuôi cá trên các tuyến sông thuộc tỉnh này chưa được cấp phép. Trong khi đó, gần đây một số vụ tai nạn đường thủy xảy ra cho thấy việc nuôi cá tự phát tiềm ẩn rủi ro khôn lường.

Nhiều vụ tai nạn xảy ra

Đầu tháng 7 vừa qua, vụ va chạm giữa một tàu vỏ sắt với bè cá lồng trên sông Kinh Thầy khiến hơn 30 tấn cá của gia đình ông Phan Đình Hùng ở thôn Trần Xá, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách bị trôi ra sông.

Theo đó, tại thời điểm trên, tàu vỏ sắt PT - 2033, trọng tải gần 1.000 tấn của ông Nguyễn Văn Huấn (trú tại xã Tân Phương, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) di chuyển từ hạ lưu sông Kinh Thầy lên thượng lưu đến Km 43 đoạn qua thôn Trần Xá, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách thì đâm vào khu vực lồng nuôi cá nằm bên bờ phải sông Kinh Thầy của gia đình ông Hùng.

Vụ va chạm khiến 2 nhà tạm lợp bằng tôn, sắt cùng một số lồng nuôi cá bị hư hỏng hoàn toàn, toàn bộ số cá trong lồng đều trôi ra sông. Ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.

​Trước đó vào cuối tháng 3/2020, tàu VP-1149 có trọng tải hơn 700 tấn của anh Nguyễn Văn Tân (sinh năm 1987, ở tỉnh Vĩnh Phúc) đang di chuyển trên sông Thái Bình, hướng cảng Cống Câu đi cầu Phú Lương đến km 67+150 thuộc địa phận khu 11, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương đâm vào khu lồng cá của hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Khanh (ở khu 11, phường Ngọc Châu) khiến 5 lồng bè bị chìm xuống sông, hơn 10 tấn cá vược, trắm, chép... thoát ra ngoài. Tổng thiệt hại ước khoảng 500 triệu đồng.

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, hiện toàn tỉnh có 451 hộ nuôi cá lồng. Một số khu vực như đoạn qua sông Thái Bình (TP Hải Dương) và sông Kinh Thầy (huyện Nam Sách) có mật độ nuôi cá lồng cao, các lồng nuôi cá đặt sát nhau. Một số hộ dân cho rằng, việc nuôi cá lồng sát bờ sông không gây nguy hiểm đối với các phương tiện đường thủy.

Tuy nhiên theo thống kê của đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường thủy tại đây, từ năm 2018 đến nay, năm nào cũng xảy ra các vụ va chạm giữa các phương tiện đường thủy với lồng bè nuôi cá của người dân gây thiệt hại lớn.

Ngoài nguyên nhân từ người điều khiển phương tiện, việc các hộ dân nuôi các lồng tự phát, không hiểu rõ các quy định liên quan đến Luật Giao thông đường thủy nội địa; thiết kế, chọn vị trí đặt lồng bè không đúng quy chuẩn, không thả phao giới hạn công trình, không lắp đèn chiếu sáng ban đêm… cũng là một nguyên nhân khiến các vụ va chạm xảy ra.

Khó quản lý khi không có quy hoạch

Từ năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã ký quyết định phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch phát triển nuôi cá lồng của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, cũng từ năm 2019, tỉnh Hải Dương đã bỏ quy hoạch này do không còn phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ đăng ký nuôi thủy sản lồng bè chỉ bao gồm đơn đăng ký, giấy phép hoạt động nuôi thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, sơ đồ mặt bằng vị trí lồng nuôi có xác nhận của chủ hộ. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, người nuôi gửi lên Sở NN&PTNT tỉnh để được cấp phép.

Mặc dù vậy, thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, trong tổng số 451 hộ nuôi cá lồng trên toàn tỉnh thì có 438 hộ nuôi chưa được cấp phép (chiếm 97,1%).

Thực tế cho thấy, đa phần các hộ nuôi cá lồng bè chỉ làm thủ tục đăng ký và cấp phép tại địa phương mà không đảm bảo các yêu cầu theo theo quy định của Thông tư 16/2015/TT–BNN của Bộ NN&PTNT. Việc lắp đặt lồng bè cá còn quá phạm vi chấp thuận của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Một số hộ nuôi lắp đèn báo không đúng quy định, duy trì đèn báo hiệu ban đêm không đủ thời gian...ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, việc phát triển diện tích nuôi cá lồng tự phát, không có quy hoạch, không đảm bảo các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý và an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Để giải quyết tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân nuôi cá lồng thực hiện nghiêm túc các thủ tục xin chấp thuận vùng nước, lắp đèn tín hiệu, báo hiệu đường thủy đúng quy định nhằm tránh các vụ tai nạn đường thuỷ gây thiệt hại lớn cho người dân.

Đồng thời cũng cần có quy hoạch cụ thể để việc nuôi cá lồng trên sông vừa bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ, vừa phát triển kinh tế bền vững cho người dân.

Tâm Lê