Nơi thắp lửa luyện rèn

Khúc Hà Linh 21/08/2021 14:00

Cùng với hình ảnh Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) là nơi thắp lên ngọn lửa luyện rèn của những trí thức thời xưa, từng làm vinh quang cho non sông đất nước.

Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) là nơi kén nhân tài qua nhiều triều đại.

Trong lịch sử văn hóa giáo dục nước nhà, năm Canh Tuất (1070) được coi là mốc son chói lọi. Sau 60 năm thiên đô từ Hoa Lư về Thăng Long (1010), năm 1070 Lý Thánh Tông cho xây Văn Tuyên Vương miếu, còn gọi là Văn miếu ở kinh thành. Rồi 5 năm sau, tức 1075, nhà Lý tổ chức khoa thi minh kinh bác học đầu tiên để tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Nhưng không chỉ ở Thăng Long, từ xưa ở xứ Đông, tức Hải Dương bây giờ, còn có Văn miếu Mao Điền.

Ngay từ giữa thế kỷ 15, với chủ trương mở mang việc học hành và đào tạo nho sĩ, nhà Hậu Lê đã cho xây dựng một loạt những trường học công lập. Ở trấn Hải Dương thời ấy đã có trường thi Hương, và Văn miếu.

Trường thi Hương tọa lạc trên đất Mao Điền thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng. Giữa thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, đây còn là lỵ sở của trấn Hải Dương, chỉ cách Thăng Long hơn 40 cây số.

Thời nhà Mạc (1527- 1592) năm 1527, khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, ông vua này đã nhanh chóng chuẩn bị và kịp thời mở các khoa thi để chọn người có tài năng tham gia củng cố chính phủ, chấn hưng đất nước... Rồi từ sau năm 1533 khi mà tại kinh thành Thăng Long tình hình chính trị không được ổn định (vì quân nhà Lê Trung hưng uy hiếp), thì Mao Điền đã mang sứ mệnh của một trường thi quốc gia...

Sử chép rằng đã có 4 kỳ thi Hội được tổ chức ở đây và triều đình nhà Mạc đã đào tạo được nhiều bậc hiền tài, liêm chính đức độ, kiên trung phụng sự quốc gia, trung liệt với giang sơn xã tắc. Những con người mãi mãi là tấm gương sáng cho đời sau, trở thành sức mạnh tinh thần cho nhiều thế hệ cháu con trên con đường tu thân, lập nghiệp phụng sự Tổ quốc sau này.

Trong đó, phải kể tới khoa thi Ất Mùi 1535, niên hiệu Đại Chính thứ 6, triều Mạc Đăng Doanh, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đậu Hội nguyên rồi Đình nguyên, trở thành Trạng nguyên của Đại Việt, lưu danh sử sách với nhiều giai thoại của danh xưng trạng Trình.

Còn Văn miếu trấn Hải Dương được khởi dựng từ thời Lê sơ (1428-1527). Ban đầu triều đình cho đặt tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An (nay thuộc xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang). Thời ấy, có 3 gian chính tẩm và 5 gian bái đường, tọa lạc trên cánh đồng bên dòng sông Sặt. Mấy trăm năm sau, bị thời gian đẽo gọt, chỉ còn lại mảnh đất hoang tàn, vật vờ những đám cỏ dại, chiếc đầu rùa đá sứt mẻ cùng viên đá tảng kê trụ, nổi chìm trong nắng mưa...

Sử ghi rằng, đến thời Tây Sơn (1788-1802), để dễ bề quản lý, triều đình xuống chiếu cho dời Văn miếu chuyển về Mao Điền, sáp hợp với trường học, trường thi và tạo thành một trung tâm văn hóa lớn, tọa lạc trên một diện tích rộng tới 36.000 mét vuông (nằm cạnh đường số 5, từ Hà Nội đi Hải Phòng, cách thành phố Hải Dương chừng 15 cây số).

Nhà bia Văn miếu Mao Điền.

Tên gọi Văn miếu Mao Điền có từ đó. Trải nhiều lần trùng tu, đặc biệt từ năm 1801 trở đi liên tiếp được tôn tạo, Văn miếu đã trở thành một quần thể công trình kiến trúc hoàn chỉnh, với 2 tòa, mỗi tòa 7 gian, tiền bái và hậu cung xây theo kiểu chữ nhị. Ở đây có nhà Khải thánh, Đông vu, Tây vu, Tháp bút, gác Khuê văn, Tam quan, gác Trống, gác Khánh...

Theo “Trùng tu Văn miếu bi ký” khắc dựng tháng 8 năm Gia Long thứ 9 (1810) cách đây hơn hai trăm năm, thì “Văn miếu ta như một cựu trấn doanh phía bắc... Trải qua các triều đại, nơi đây được coi là trường thi để kén chọn nhân tài”.

Văn miếu Mao Điền trở thành nơi tế lễ, học tập đông vui, một thắng cảnh được lưu danh sử sách, một công trình văn hóa giá trị... Thế rồi chiến tranh, và thời gian phủ lớp bụi và dãi dầu nắng mưa làm cho nơi thiêng liêng của đạo học xuống cấp. Năm 1948 Pháp đánh chiếm Mao Điền, biến Văn miếu thành khu căn cứ chiếm đóng, xây lô cốt, vây tường rào kẽm gai xung quanh. Rồi thiên tai, bão lụt, và sự đổi thay đã làm cho văn miếu một thời hoang phế.

Theo dòng lịch sử, trải dài 844 năm (1075-1919), nước ta có gần 3.000 người đỗ đại khoa được lọc chọn qua 185 khoa thi Hội, thi Đình của các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Chỉ tính người Xứ Đông - Hải Dương, có trên 600 vị đỗ đại khoa với 12 trạng nguyên…, trong này có 8 người từng giữ chức Tế tửu Quốc tử giám; 12 người lừng danh trong Nhị thập bát tú - Hội Tao đàn, thời Hồng đức. Họ từ thành danh, từ cuộc sống khó nghèo “gạo lép khoai hà” từ gian nan khó nhọc “sáp cặn dầu thô” đi lên.

Những nhà khoa bảng ấy đã đem đức tài ra phụng sự đất nước, trong sự nghiệp kiến quốc và gìn giữ non sông đất nước. Đã có nhiều vị trở thành danh nhân đất Việt, khi mất đi đã để lại tiếng thơm muôn đời, sống cùng sông núi, trong lòng chúng dân và được lập đền thờ, quanh năm tế lễ.

Văn miếu Mao Điền có vị thế trang trọng là Văn miếu quốc gia, ở phía Bắc nó có quy mô chỉ đứng sau Văn miếu Quốc Tử Giám. Để giữ gìn và khôi phục di tích lịch sử văn hoá này, nhân dân địa phương đã tổ chức nhiều đợt trùng tu và đặc biệt là năm 2002, Văn miếu Mao Điền được tu bổ khang trang, đẹp đẽ.

Trước năm 1945 vào ngày trọng hội (tháng 2 mùa xuân và tháng 8 mùa thu), quan Tổng đốc cùng các quan liêu các phủ huyện, các cử nhân, tiến sĩ đều về đây làm lễ, nêu cao cương thường, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, khuyến học, rèn luyện tu thân cho bách tính.

Còn bây giờ, thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ người xưa, tại đây hàng năm chính quyền địa phương cùng nhân dân tổ chức lễ hội, với nhiều hình thức phong phú...

Đến những thời điểm ấy, cả một vùng quê rộng lớn từ các tỉnh đồng bằng trung du, những dòng người nô nức tìm về nguồn cội của vinh quang, trí tuệ. Họ tìm lại những giấy phút huy hoàng xúc động cảnh vinh quy của ông cha thuở trước, để tự hào vươn tới.

Người lớn tuổi về Mao Điền thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, nhớ các bậc tiên hiền có công phò vua, chấn hưng đất nước, để xứng danh với lân bang. Đối với những thanh thiếu niên trong trắng hồn nhiên, cũng tìm về nơi cội nguồn nguyên khí quốc gia với những ước mơ hoài bão. Người dân mang những sản vật do chính bàn tay con người làm ra, dâng lên tế trời đất, tỏ lòng thành trước tiền nhân... Những tiết mục diễn xướng với tài năng của những nghệ nhân dân gian, làm cho ngày hội thêm từng bừng náo nức.

Lễ dâng chữ là một nghi thức mang đậm đà bản sắc dân tộc, với ước nguyện của con người đi tìm tới văn minh ánh sáng, thể hiện truyền thống hiếu học của người Đại Việt từ hàng nghìn năm trước. Nhiều trường tiểu học tổ chức cho học sinh thi viết chữ đẹp, giữ vở sạch, khích lệ đức tính nhẫn nại, góp phần tạo nên tích cách...

Những màn biểu diễn múa võ, với nhiều vũ khí... gợi người ta nhớ về một thời quá vãng hào hùng cuả ông cha ta kế tiếp bảo vệ giang sơn suốt chiều dài dựng nước và giữ nước.

Văn miếu Mao Điền, được Nhà nước xếp hạng là Khu Di tích quốc gia đặc biệt. Ở đây đang phối thờ 8 vị tiên hiền: Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tuệ Tĩnh, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, và Nguyễn Thị Duệ…

Những năm gần đây, trong lễ hội Văn miếu Mao Điền, người ta còn tổ chức đọc văn tế. Ân đức của các vị tiên liệt được ngân lên trong không gian mịt mờ hương khói, hòa quyện trong tiếng trống tiếng chuông:

“Sống tận càn khôn, Ức Trai lòng tựa sao Khuê
Trụ giữa núi mây, Chu Văn An chí như tùng bách
TrạngTrình Nguyễn Bỉnh Khiêm, uyên kim bác cổ đáng bậc thiên cơ
Thiền y Nguyễn Bá Tĩnh, trọng đức thâm tình lừng danh thánh dược
Lưỡng quốc Trạng nguyên, Mạc Đĩnh Chi vạn cổ lưu truyền
Học sĩ Sao sa, Nguyễn Thị Duệ thiên thu ghi tạc
Phạm Sư Mạnh tuyệt bút thi thư
Vũ Hữu trứ danh toán pháp!”

Khúc Hà Linh