Giá phân bón tăng cao, nông dân gặp khó
Từ giữa năm 2020 đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân tỉnh Hải Dương.
Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Nam Vũ ở xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có hơn 20 hộ thành viên tham gia trồng ổi trên diện tích khoảng 5ha. Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, đại diện các hộ trồng ổi cho biết: Đầu tháng 6 vừa qua, các hộ dân bắt đầu tập trung bón thúc cho cây ổi trái vụ. Tuy nhiên, do giá phân bón tăng mạnh, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất nên ai cũng bón cầm chừng để chờ phân bón giảm giá.
Ông Nguyễn Văn Thành - một chủ cửa hàng kinh doanh phân bón tại TP Chí Linh chia sẻ: “Các đại lý hiện không dám nhập nhiều hàng về kho vì sức mua đang giảm mạnh. Trong khi đại lý phải thanh toán tiền ngay cho mỗi chuyến hàng nhưng vẫn phải bán nợ cho không ít các hộ dân và chờ đến khi thu hoạch mới được thanh toán. Vì vậy, họ không có đủ vốn để xoay vòng vốn”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, giá phân bón tăng cao do nguyên liệu sản xuất phân bón tăng từ 15-50%, thậm chí phân đạm tăng trên 100%. Qua khảo sát thực tế tại một số cửa hàng vật tư nông nghiệp, giá phân bón tăng từ 50.000-260.000 đồng/bao loại 50 kg so với thời điểm đầu năm 2021. Giá đạm urê Phú Mỹ hiện tăng khoảng 260.000 đồng/bao; đạm Hà Bắc tăng khoảng 250.000 đồng/bao;…
Nhu cầu về phân bón của địa phương thường tập trung nhiều từ tháng 8 đến tháng 11 với tổng sản lượng khoảng 85.000 tấn. Hiện lượng phân bón còn tồn và khả năng cung ứng của một số nhà máy trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 60-70%, còn lại là nhập từ bên ngoài.
Riêng vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh Hải Dương gieo cấy hơn 55.310 ha lúa, gieo trồng khoảng 8.084 ha rau màu. Giá phân bón không ngừng tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân. Tuy nhiên, việc tìm hướng gỡ để giải quyết vấn đề này đang gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Quý Trọng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thị trường thế giới tăng cao, sức mua của người dân giảm nên các doanh nghiệp đang hạn chế chương trình hỗ trợ trả chậm như những năm trước. Mặc dù đơn vị đã có nhiều đề xuất với doanh nghiệp nhưng hầu như chưa nhận được câu trả lời.
Ngoài việc khuyến cáo bà con nông dân cần theo dõi tình hình thời tiết, đảm bảo quy trình chăm sóc và bón phân theo từng giai đoạn phù hợp để cây lúa, rau màu, cây trồng phát triển tốt, đơn vị cũng chưa có biện pháp nào mới để kịp thời hỗ trợ bà con nông dân trong thời điểm này”.