Độc đáo lễ hội Khô già già
Người Hà Nhì là dân tộc ít người của Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao Tây Bắc. Cho đến nay, bà con dân tộc Hà Nhì vẫn giữ được nhiều nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc, trong đó có lễ hội Khô già già.
“Khô già già” theo tiếng Hà Nhì có nghĩa là “bội thu”. Đây là lễ hội cầu mùa, cũng là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Hà Nhì. Nhiều năm gần đây, lễ hội Khô già già tại xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) luôn được tổ chức quy mô, đậm bản sắc và hoạt động ý nghĩa, thu hút du khách đến tham quan và khám phá. Lễ hội được bắt đầu từ ngày Thìn đầu tiên của tháng 6 âm lịch và kết thúc vào ngày Ngọ. Thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thần rừng, thần nước, thần đất và thần tình duyên cho cộng đồng người dân tộc; mang ý nghĩa cầu mùa, cầu an cho cộng đồng sau khi mùa vụ được trồng cấy.
Địa điểm tổ chức lễ hội là bãi đất trống tại khu rừng cúng duy nhất, nơi mà mọi người già, trẻ, gái, trai đều có thể đến vui chơi trong ngày hội. Ngay từ sáng sớm ngày đầu tiên diễn ra lễ hội, bà con tiến hành công việc đi lấy cỏ tranh và tre lợp lại nhà, nơi diễn ra các hoạt động của lễ hội. Khi lễ hội đã được tập kết, những người đàn ông Hà Nhì cùng nhau sửa chữa, lợp lại mái nhà với ý nghĩa mỗi năm qua đi những cái mới sẽ mang lại điều tốt đẹp cho bản làng. Những người Hà Nhì tại Y Tý chia sẻ: Lợp mới mái nhà như thế này cũng như thay áo. Mỗi năm 1 bộ áo không đủ. Áo mới áo cũ phải thay đổi nhau mặc.
Ngày thứ hai của lễ hội là nghi lễ mổ trâu. Cuộc sống của người Hà Nhì có tính cộng đồng cao, do vậy người ta chọn mổ trâu. Trước tiên để chế biến thực phẩm cho các lễ cúng, và để chia cho tất cả các hộ gia đình, kể cả những hộ không tham gia lễ hội. Trước đó, người dân đóng góp tiền, chọn mua và chăm sóc trâu thật tốt.
Nghi lễ mổ trâu diễn ra tại khu tổ chức lễ hội và phải do những người đàn ông đảm nhận. Còn phụ nữ trong mỗi gia đình sẽ quét dọn nhà cửa, gánh nước đầy thùng, chuẩn bị gạo nếp để làm bánh dầy cúng tổ tiên. Khi trâu được mổ xong họ sẽ tiến hành chia tất cả các phần thịt đều nhau cho cả làng bản. Sau đó các hộ dân sẽ mang thịt trâu về chế biến món ăn thành mâm cỗ cúng vào chiều tối. Ở mâm cúng này người Hà Nhì làm 3 món chính là thịt trâu luộc, bánh giày và nước gừng hoặc rượu. Sau lễ cúng từng người trong gia đình sẽ đều đến lạy tổ tiên và thụ lộc.
Ngày thứ ba của lễ hội, sáng sớm, những người đàn ông Hà Nhì sẽ tổ chức đi lấy gỗ và dây trên rừng về làm 2 trò chơi quan trọng là đu quay và đu dây. Cây gỗ và dây đu phải được chọn lựa kỹ càng và chắc khỏe. Các trò chơi này thực hiện sau lễ cúng, mỗi năm đều được thay mới, để đảm bảo an toàn cho người chơi, với mong muốn mọi sự trong năm đều tốt đẹp.
Mỗi nơi thực hiện lễ hội Khô già già sẽ có hai thầy cúng. Hai người này được chọn lọc rất kỹ lưỡng, phải là người trong gia đình không gặp những điều không may mắn trong năm, nếu có thì sẽ phải thay thầy cúng khác. Hai người sẽ thực hiện lễ cúng của cả làng bản. Bản có bao nhiêu mâm tham gia thì từng ấy lần cúng. Mâm của cả bản làng, mâm riêng của trưởng phó bản (hai thầy cúng) sẽ được cúng trước. Những mâm cúng này bắt buộc đủ 12 món ăn thể hiện 12 tháng trong năm. Các mâm của những gia đình thì tùy thuộc điều kiện, có thể là 8-10 món.
Đây là nghi thức cúng quan trọng nhất trong lễ hội, cầu cho mùa màng bội thu, cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ tới với dân làng. Do vậy mọi hoạt động được diễn ra rất trang nghiêm. Sau khi làm lễ xong, thầy cúng mới thử trò chơi để mọi người cùng tham gia.
Có thể nói, vui nhất trong lễ hội Khô già già là phần hội, biểu diễn văn nghệ và thi các môn thể thao dân tộc truyền thống như đẩy gậy, đu quay... Lễ hội là một trong những Ngày Tết truyền thống lớn nhất trong năm của người Hà Nhì. Những gia đình có con cái lấy chồng, lấy vợ hoặc sinh sống ở xa đều sắp xếp về lễ Tết, thăm hỏi bố mẹ trong dịp này. Nhiều năm trở lại đây, trong phần hội thường có sự tham gia của du khách từ khắp nơi đến tham quan. Các chàng trai, cô gái Hà Nhì không chỉ đến tham gia lễ hội mà còn đến để kết bạn, tìm người yêu thương, bạn đời cho mình.
Trải qua thời gian, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì ở Lào Cai đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với những nét riêng độc đáo kể trên, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2015.