Lộng lẫy kiến trúc chùa Khmer
Những ngôi chùa Khmer lộng lẫy không khác gì cung điện, tất cả hoa văn, họa tiết từng đường nét kiến trúc được điêu khắc, chạm trổ vô cùng khéo léo và công phu đã tạo dấu ấn đặc biệt trong kho tàng di sản kiến trúc Việt Nam.
Với quan niệm Đức Phật luôn bên họ để che chở và ban phúc lành nên hầu như ở trong các phum, sóc, người Khmer tự nguyện đóng góp để xây dựng ngôi chùa riêng cho địa phương mình. Tính riêng người Khmer sinh sống ở khu vực Tây Nam Bộ đã có hơn 1,3 triệu người, với hàng trăm ngôi chùa Khmer lớn nhỏ, trong đó có những ngôi chùa có niên đại cách đây vài thế kỉ, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia như: chùa Âng, chùa Mẹt, chùa Hang, chùa Dơi...
Chùa Khmer thường được chọn xây dựng trên một khu đất rộng, bao bọc bởi những hàng cây dầu, cây thốt nốt hay rừng tràm xanh tươi. Tổng thể một ngôi chùa Khmer gồm: cổng chùa, tường rào, ngôi chính điện, tháp đựng cốt, tăng xá, nhà hội, an xá,… Trong đó, nổi bật và quan trọng nhất là ngôi chính điện được xây dựng ở trung tâm của ngôi chùa. Ở mỗi ngôi chùa Khmer, chính điện được xây theo hướng Đông - Tây với quan niệm Đức Phật luôn ngự ở phía Tây nhìn về hướng Đông mà ban phúc lộc, cứu độ chúng sinh. Những ngôi chùa Khmer được xây dựng dựa trên tinh thần văn hóa Phật giáo Tiểu thừa thông qua nét kiến trúc và trang trí độc đáo.
Ở những ngôi chùa Khmer Nam Bộ, việc điêu khắc, trang trí được chú trọng và được dùng khắp mọi chỗ như góc mái, cột, diềm mái... Ở mặt tường ngoài và các cột của chánh điện được đắp nổi đắp nổi, tượng tròn hoặc chạm khắc, thể hiện các hình tượng Reahu (Hổ phù), Tiên nữ, chim thần Kâyno, Chằn (Yeak)... Đặc biệt nhất trong những hình tượng này là mô típ trang trí Reahu và mô típ Chằn. Reahu được thể hiện là mặt một quái vật hung dữ với đôi mắt trợn trừng, đe dọa, vành miệng rộng, nhe hai hàm răng nhọn lởm chởm, đang nuốt mặt trăng. Reahu được trang trí ở nhiều nơi như trên cổng vào chùa, trên vòm mặt tiền ngôi chính điện, trên vòm cửa ra vào và thậm chí ở ngay cả bệ tượng Phật. Mô típ Chằn cũng là đại biểu lực lượng tà, phá hoại Phật Pháp. Chằn được thể hiện dưới dạng một người to lớn, khoẻ mạnh, vẻ mặt dữ tợn, mình mặc giáp trụ, tay cầm chày vồ đứng gác ở cổng chùa.
Đưa hai mô típ Reahu và Chằn vào trang trí nơi cửa Phật với ngụ ý muốn tôn lên ý nghĩa sâu sa của triết lý nhân đạo cao cả Phật Giáo: cái xấu, cái ác cũng không phải là một lực lượng đáng sợ, đáng loại trừ. Với quyền năng tuyệt đối, vô biên, với tấm lòng nhân đạo cao cả của Đức Phật thì cái xấu, cái ác cũng vẫn được cải biến, để trở về phục vụ cho cái thiện, cái có ích.
Về kiến trúc có thể kể đến ngôi chùa Xiêm Cán-một trong những ngôi chùa lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam bộ. Chùa Xiêm Cán thuộc xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu. Chùa được xây dựng năm 1887 và tới nay vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, diễn ra các lễ hội truyền thống của người Khmer.
Ngôi chùa Tây Nam Bộ này được thiết kế theo kiến trúc Angkor của người Camphuchia. Vẻ đặc sắc của chùa Xiêm Cán thể hiện ở họa tiết ở những mái vòm, tường, và các hàng cột và cầu thang. Xung quanh chùa là hàng rào được xây kiên cố, trang trí với nhiều hoa văn ấn tượng. Cổng chùa được đắp nổi và chạm khắc với nhiều hoa văn đậm sắc thái Khmer. Khuôn viên chùa Xiêm Cán rợp bóng cây xanh, không khí trong lành. Hằng năm, ngôi chùa thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan và chiêm bái.
Chùa Wathserâytêchô – Mahatup (phiên âm từ tiếng Khmer còn được gọi là chùa Dơi). Về sau đọc lại từ Mahatup thành “Mã Tộc”. Từ đó, cái tên chùa Mã Tộc hình thành. Năm 1999, chùa Dơi được công nhận di tích quốc gia. Ngôi chùa Khmer này nằm cách trung tâm thành phố khoảng chừng 2 km, có lịch sử lâu đời bậc nhất tỉnh Sóc Trăng.
Mỗi công trình nghệ thuật tại chùa Dơi đều là một chỉnh thể mỹ thuật độc đáo bởi đôi tay điêu luyện của các nghệ nhân Khmer đã kiến tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp bậc nhất với mái hai lớp ngói màu. Bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo biểu tượng rắn Naga cong vút, trên đỉnh chùa có một tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa đều có biểu tượng tiên nữ Kemnar với đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời chào đón, chúc phúc du khách tham quan …Xung quanh chùa là một cánh rừng với đủ các loại cây. Sở dĩ ngôi chùa có tên là Chùa Dơi vì nơi đây là “nhà” của hàng vạn con dơi tìm về trú ngụ.
Với hệ thống chùa Khmer, thì chùa Âng ở Trà Vinh được xem là một trong những ngôi chùa Phật giáo Khmer tiêu biểu. Việc xây dựng ngôi chùa lộng lẫy, uy nghi vào giữa thế kỷ XIX đã chứng tỏ rằng, vào thời điểm ấy đã tồn tại những phum sóc Khmer có mật độ dân cư khá đông đúc, đời sống kinh tế tương đối sung túc. Ở đây trình độ nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc… đều thuộc dạng bậc nhất khiến các thế hệ trẻ hiện nay và du khách gần xa phải nghiêng mình thán phục. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, lễ hội. Trong đó phải kể đến lễ hội Ok om bok – di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào dịp Rằm tháng Mười âm lịch hằng năm.
Chùa Kỳ Son tọa lạc ở ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ, thuộc huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cũng là ngôi chùa Khmer độc đáo được xây dựng năm 1812 với diện tích 20.000 m2. Chánh điện là công trình chính của chùa, cửa chính quay theo hướng Đông–Tây. Dọc hai bên lối vào được trang trí tượng rắn năm đầu vươn cao hình rẻ quạt. Mái chánh điện lợp ngói vảy cá, được chia làm 3 cấp, trên dốc từng cấp mái có thân rồng nằm thoải…
Ở TP Cần Thơ còn có ngôi chùa Pitu Khôsa Răngsây hay còn gọi là chùa Viễn Quang. Nằm ở số 27/18 đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều. Ngôi chùa miền Tây này là một địa điểm tín ngưỡng nổi tiếng của bà con Khmer. Chùa được xây dựng vừa giữ được nét kiến trúc đặc thù của văn hóa Khmer vừa thể hiện được nét hiện đại của kiến trúc Angkor và Khmer Nam Bộ.