Vĩnh Phúc: Ngang nhiên xây dựng trái phép và khai thác gỗ trên đất rừng phòng hộ
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương chuyển loại rừng sản xuất sang quy hoạch phát triển rừng phòng hộ trên núi Thằn Lằn ở thôn Cao Quang (xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Thế nhưng, một số đố tượng vẫn ngang nhiên đưa máy móc, thiết bị tiến hành khai thác gỗ, vận chuyển vật liệu vào để tiến hành xây dựng công trình trái phép.
Nhận được thông tin phản ánh của người dân, phóng viên đã có mặt trên núi Thằn Lằn thuộc thôn Cao Quang, xã Cao Minh, tại đây xuất hiện nhiều con đường đất tự làm còn hằn vết bánh xe, nhiều gốc cây bị đốn hạ. Có vị trí bị các đối tượng dùng máy múc san gạt lấy mặt bằng.
Xuất hiện nhiều gạch, cát được các đối tượng tập kết để chuẩn bị xây dựng công trình. Con đường đất được các đối tượng phân theo các ô đất vuông.
Theo phản ánh của người dân, vị trí đất rừng này trước đây là rừng sản xuất, nhưng từ năm 2020 đã được chuyển sang rừng phòng hộ. Việc các đối tượng ngang nhiên đưa máy móc đốn hạ cây, rồi tập kết vật liệu xây dựng là vi phạm pháp luật.
Mang thông tin phản ánh của người dân và những ghi nhận của chúng tôi đến cung cấp cho chính quyền xã Cao Minh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Cao Minh, cho biết: "Trong diện tích đất của địa phương quản lý có khoảng 65 ha rừng trước kia là rừng phòng hộ, nhưng đến năm 2012 chuyển sang rừng sản xuất. Tới nay, tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương chuyển sang rừng phòng hộ. Tại vị trí phản ánh thuộc núi Thằn Lằn (thôn Cao Quang) có 23 ha đất rừng được giao cho Công ty Cổ phần Truyền thông Máy tính 3C từ thời UBND huyện Mê Linh cũ...".
Chủ tịch UBND xã Cao Minh nêu rõ: Ngày 12/7/2021 sau khi nhận phản ánh của dân, Chính quyền xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, cùng lực lượng Công an xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm TP Phúc Yên kiểm tra và lập biên bản xử lý vụ việc
Trong Biên bản làm việc ngày 12/7/2021, Tổ công tác của UBND xã Cao Minh ghi rõ: Tại vị trí xảy ra sai phạm được xác định là hộ gia đình bà Trịnh Thị Lương (thôn Thanh Lộc, xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên) đã đổ gạch, tập kết vật liệu.
Tại vị trí Lô 23 khoảnh 1B núi Thằn Lằn có khoảng 4 vạn viên gạch cùng hàng chục khối cát.
Quá trình tập kết vật liệu chuẩn bị xây dựng xuất hiện anh Phan Đức Quý (tổ 8, phường Hùng Vương, TP Phúc Yên) đến nhận đất của mình và cản trở bà Lương xây dựng.
Tuy nhiên, do các bên không cung cấp được các giấy tờ về quyền sử dụng đất, nên Tổ Công tác yêu cầu các bên không được phép xây dựng, san gạt hoặc múc đất tại vị trí trên.
Hiện vị trí đất rừng xảy ra sai phạm vẫn thuộc Công ty CP Truyền thông Máy tính 3C. Công ty ở dưới Hà Nội nên không liên hệ được. Và nhiều năm nay, Công ty cũng không đóng phí bảo vệ rừng, phí phòng chống cháy rừng cho địa phương.
Còn về bà Nhung và anh Quý đã được tổ công tác lập biên bản và yêu cầu dừng ngay việc tập kết vật liệu và không được xây dựng tiếp. Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết thêm
Ở một diễn biến khác, phóng viên đã đến làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Lâm Tới, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
Ông Tới cho biết: "Hạt Kiểm lâm có phối hợp với chính quyền xã Cao Minh kiểm tra và lập biên bản. Theo Biên bản kiểm tra lâm sản ngày 29/7/2021 của Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên, thời điểm kiểm tra vào hồi 8h30 sáng, phát hiện các đối tượng cắt hạ cây keo, cây keo đã được cắt khúc đếm được khoảng 206 khúc, đo đếm được khoảng 6,76 m3, đường kính từ 0,6 đến 50 cm, dài từ 2,6 đến 4m. Khi phát hiện Tổ công tác làm việc, đối tượng khai thác đã bỏ trốn khỏi hiện trường...".
Theo Biên bản kiểm tra lâm sản ngày 29/7/2021 của Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên, khu vực đất rừng xảy ra sự vụ xây dựng trái phép và khai thác gỗ trên đất rừng quy hoạch phòng hộ là của Công ty Cổ phần Truyền thông Máy tính 3C.
Trong đó ông Nguyễn Hữu Tư (người bảo vệ rừng) cho biết: "Công ty không có chỉ đạo khai thác mà gỗ lâm sản trên bị khai thác trộm".
Trong Văn bản số 6355/UBND-NN2 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 19/8/2020 có nêu: Sau khi xem xét báo cáo số 252/BC- SNN&PTNT ngày 10/08/2020 về việc kết quả điều tra, rà soát diện tích chuyển loại rừng sản xuất sang quy hoạch phát triển rừng phòng hộ khu vực núi Thằn Lằn, thôn Cao Quang (xã Cao Minh, TP Phúc Yên), UBND tỉnh đồng ý về việc chuyển loại rừng sản xuất sang quy hoạch phát triển rừng phòng hộ.
UBND tỉnh giao UBND thành phố Phúc Yên chỉ đạo UBND xã Cao Minh dừng các hoạt động liên quan đến xác nhận mua bán, chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận quyền sư dụng đất lâm nghiệp tại khu vực núi Thằn Lằn, xã Cao Minh, TP Phúc Yên.
UBND xã Cao Minh còn được giao chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài Chính, Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí đền bù tài sản trên diện tích đất rừng, để chuyển loại từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ.
Rõ ràng, rừng là tài nguyên quốc gia cần được bảo vệ. Không chỉ vậy, tại vị trí nói trên đang được quy hoạch chuyển sang phát triển rừng phòng hộ. Tuy nhiên, các đối tượng đã ngang nhiên phá rừng, chặt hạ cây, đưa máy móc vào tự ý san gạt, tập kết vật liệu với múc đích xây dựng công trình trái phép thì cần phải xử lý nghiêm minh.
Qua đây, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cần làm rõ hành vi vi phạm của bà Trịnh Thị Lương và anh Phan Đức Quý. Vì sao trên diện tích đất rừng được tỉnh giao cho Công ty cổ phần truyền thông máy tính 3C nhưng các cá nhân lại ngang nhiên như vậy?
Tiếp đó, cần làm rõ trách nhiệm của Công ty CP truyền thông máy tính 3C trong quá trình được cấp có thẩm quyền giao đất rừng lại để các đối tượng ngang nhiên chặt phá rừng và đưa vật liệu vào xây dựng. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc quyết liệt, có biện pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng phòng hộ, xử lý các cá nhân, doanh nghiệp vị phạm, trách nhiệm người đứng đầu của địa phương khi để xảy ra tình trạng trên.