‘Luồng xanh’ trên sông nước
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam từng đề xuất, đặc thù của vận tải thủy là phương tiện, thuyền viên thường liên tục ở trên sông nước và cảng, bến cách xa các trung tâm y tế, nên việc đi lại để xét nghiệm y tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các địa phương trong vùng dịch nên tổ chức các điểm xét nghiệm lưu động, cấp giấy chứng nhận y tế tại các cảng, bến thủy lớn hoặc cảng biển để tạo thuận lợi cho thuyền viên, phương tiện thủy.
Đề xuất này cũng nhằm mục đích khơi thông “luồng xanh” vận tải đường thủy nội địa trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng và việc không ít địa phương áp các biện pháp phòng, chống dịch một cách cứng nhắc đối với phương tiện vận tải mang tính đặc thù này.
Việt Nam là quốc gia có nhiều dòng sông, cùng đó là hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, đa phần các nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo được xây dựng gần bờ sông, bờ kênh. Còn tại phía Bắc, việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng tại các cảng thủy nội địa chiếm khối lượng hàng hóa rất lớn.
Thông tin từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, 7 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa bằng đường thủy đạt hơn 150 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ. Kể từ đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, trong khi vận tải đường bộ gặp khó khăn, hàng không ngưng trệ, đường sắt chỉ vận tải hàng container, thì các tuyến vận tải hàng hóa bằng đường thủy vẫn duy trì hoạt động ổn định, góp phần phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả hoạt động của loại hình vận tải này thì còn nhiều việc phải làm, trong khi mở “luồng xanh” cho vận tải đường thủy nội địa đã trở nên cấp bách.
Tại một số địa phương, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/TTg lại khá máy móc khi siết chặt kiểm soát vận tải thủy nội địa qua địa bàn. Cách làm này không khác gì việc kiểm soát ô tô trên đường bộ, từng bị Chính phủ “tuýt còi” vì đã tạo ra cảnh “ngăn sông cấm chợ”, khiến hàng hóa không thể lưu thông, nơi thì chất đống, nơi thì thiếu thốn. Cần phải biết rằng, vận tải đường thủy có những đặc điểm rất khác so với vận tải đường bộ. Đó là những người trên tàu không tiếp xúc cộng đồng, khả năng phát tán virus SARS-CoV-2 là rất khó. Vì thế, đã tạo “luồng xanh” cho vận tải đường bộ thì không lý gì lại không làm với đường sông.
Đáng tiếc là quá cứng nhắc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, một số địa phương đã không cho tàu vận tải hàng hóa ở địa phương khác vào, hoặc yêu cầu tất cả thuyền viên trên tàu thủy nội địa phải có phiếu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV2, hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên (còn thời hạn).
Yêu cầu đó là bất cập, gây khó khăn đối với hoạt động và lưu thông vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa.
Chính vì thế, mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký văn bản gửi các bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị phối hợp đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, Bộ GTVT cho rằng, toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa hiện nay đều được coi là hệ thống “luồng xanh” cho các phương tiện thủy nội địa vận tải hàng hóa. Việc này không chỉ áp dụng với vận tải đường sông, mà còn áp dụng cả với việc vận chuyển hàng hóa, nông sản trên các tuyến kênh, mương nội đồng để kết nối đến các tuyến đường thủy và các cảng, bến.
Hy vọng “luồng xanh” cho vận tải đường thủy nội địa sẽ được khai thông. Các cảng vụ đường thủy nội địa sẽ làm thủ tục vào, rời cảng, bến nhanh nhất; đẩy mạnh việc làm thủ tục trực tuyến bằng cách đơn vị quản lý chỉ cần gửi hình ảnh, giấy tờ thuyền viên, phương tiện cho cảng vụ là được tiếp nhận, giải quyết. Và nhất là việc xét nghiệm y tế sẽ phù hợp, không còn là cái cớ để làm khó loại hình vận tải rất hữu ích trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.