Điểm yếu của chuỗi cung ứng
Không phủ nhận, nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có nguồn cung rất dồi dào. Con số mà Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đưa ra minh chứng rất rõ.
Cụ thể, chúng ta có hệ sinh thái sản xuất 13.500 doanh nghiệp (DN), cộng với hơn 34.400 trang trại, 78 liên minh hợp tác xã (HTX), 17.500 HTX, hơn 8,6 triệu hộ nông dân kết thành mạng lưới sản xuất nông nghiệp rất bền vững...
Vậy nhưng tình trạng khan hàng vẫn xảy ra. Đó là vì khâu lưu thông hàng hóa đang gặp vấn đề. Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ NNPTNT thừa nhận. Và chính bởi gặp vấn đề ở khâu lưu thông nên mới có thực trạng giá cả nông sản cứ lên – xuống thất thường. Trong đợt dịch lần thứ 4 này, người nông dân đã bị lỗ nặng nề khi phải chịu cảnh giá gà công nghiệp từ mức 28.000 đồng/kg giảm xuống còn 11.000 đồng/kg; heo ở Đồng Nai không xuất được ra khỏi chuồng, trong khi dứa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chín đầy ruộng không ai mua...
Nếu nhìn vào số sản lượng thịt heo bình quân mỗi tháng năm 2021 tại các tỉnh phía Nam với sản lượng 93.840 tấn/tháng; thịt gà 30.492 tấn/tháng; thịt vịt bình quân là 10.860 tấn/tháng, hẳn không ai có thể nghĩ hàng hóa thực phẩm đến tay người tiêu dùng có thể thiếu, và người tiêu dùng phải mua thịt lợn, thịt gia cầm với giá cao. Đặc biệt là trứng. Theo Bộ NNPTNT, riêng trứng gia cầm, sản lượng bình quân mỗi tháng đạt 455 triệu quả, dồi dào như vậy, tại sao giá đến tay người tiêu dùng lại cao đến thế? Tới mức 57.000 -60.000 đồng/ chục trứng.
Nhấn mạnh rằng, trong mọi tình huống không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu, lãnh đạo Bộ Công thương từng khẳng định, nhất thiết phải chủ động kết nối cung cầu tại các địa phương. Trong đó, cần duy trì chợ đầu mối, chợ truyền thống kèm theo những biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các ngành khác như giao thông, y tế để làm tốt lưu thông hàng hóa, điều tiết hợp lý hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt.
Đồng ý rằng, những giải pháp mà nhà quản lý đã và đang đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đã phần nào giảm áp lực lên chuỗi cung ứng hàng hóa, giảm thiểu nguy cơ đứt gãy. Song giá nhiều mặt hàng đến tay người tiêu dùng vẫn cao.
Rõ ràng, trong những tình huống cấp bách, giải pháp mà nhà quản lý đưa ra là cần thiết, song, điều chúng ta cần làm để có thể duy trì, đảm bảo chuỗi cung ứng được thông suốt, đó là cần phải có kế hoạch dự trữ hàng hóa. Hiện tại, không có những kho lạnh dự trữ hàng hóa đủ lớn để có thể tập kết hàng hóa cung ứng cho thị trường. Dẫn đến khi có biến cố, nhu cầu tăng đột biến, lập tức cung khó đáp ứng, từ đó kéo theo giá bị đẩy lên cao.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hàng hóa thiết yếu tại hệ thống bán lẻ của các kênh truyền thống chiếm 80%, chính vì vậy phải quan tâm đầu tư cho hệ thống bán lẻ của kênh truyền thống – kênh ít được quan tâm hơn cả. Khi được đầu tư đầy đủ trang thiết bị bảo quản, tổ chức bán ra thì chợ truyền thống sẽ “góp công” lớn trong việc giảm giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường.